(HNM) - Dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình được đầu tư theo hình thức BOT. Mặc dù đã được lùi tiến độ đến cuối tháng 4-2017 phải hoàn thành, thông xe toàn tuyến, nhưng những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng tới tiến độ chung dự án.
Để bảo đảm tiến độ dự án, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan có liên quan khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, tập trung hoàn thành GPMB, bàn giao cho chủ đầu tư. Về phía các nhà thầu, có mặt bằng đến đâu, tổ chức thi công đến đó để bảo đảm tiến độ chung của dự án.
Gói thầu số 7, dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình bị “vướng” mặt bằng tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.Ảnh: Anh Tuấn |
Hoàn thành 80% khối lượng
Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình dài gần 25,7km có tổng mức đầu tư 2.375 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư. Trong đó, đoạn thuộc địa phận Hà Nội dài 6,37km, đoạn thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 19,3km. Sau khi hoàn thành, đi vào khai thác sẽ tạo ra trục giao thông liên kết Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, giảm tải cho quốc lộ 6, góp phần hình thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình và các địa phương khác trong khu vực. Trước tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của dự án, Bộ GT-VT đã đôn đốc chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Cuối tháng 3-2016, Bộ GT-VT đã "chốt" tiến độ phải hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến trước ngày 31-12-2016. Tuy nhiên, do ách tắc trong công tác GPMB, Bộ GT-VT đã cho phép lùi tiến độ đến cuối tháng 4-2017.
Thực tế tại hiện trường dự án những ngày qua cho thấy, các khu vực đã có mặt bằng, khí thế thi công rất khẩn trương. Các mũi thi công cầu, đường xuyên núi... đều được huy động tối đa nhân lực, phương tiện quyết tâm rút ngắn tiến độ để "bù" cho giai đoạn bị chậm mặt bằng trước đó. Tuy nhiên, trên tuyến vẫn tồn tại khá nhiều "điểm nghẽn". Đơn cử như gói thầu 09XL của nhà thầu Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng), tại Km13 +050 đến Km16 + 000, phía đầu tỉnh Hòa Bình đã thi công xong phần nền đường, nhưng điểm giáp ranh thuộc địa phận huyện Thạch Thất (Hà Nội) vẫn chưa thể thi công để khớp nối.
Ông Bùi Quang Bát - Giám đốc Công ty TNHH BOT Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, đến thời điểm này, tiến độ dự án đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành hơn 80% khối lượng. Các gói thầu 09XL, 10XL, 11XL, 12XL, 13XL, 14XL, 15XL đang khẩn trương thi công trên phạm vi đã được bàn giao mặt bằng. Toàn bộ 9 cầu trên tuyến đã hoàn thành 100%. Những đoạn có mặt bằng, nhà thầu cơ bản hoàn thành thi công nền đường, đang thi công lớp cấp phối đá dăm; có đoạn đã thảm bê tông nhựa và hoàn thành trước ngày 30-10 vừa qua. Những đoạn chưa có mặt bằng, chủ đầu tư và các nhà thầu phấn đấu hoàn thành trước ngày 31-3-2017. Riêng đoạn qua địa phận TP Hà Nội, Bộ GT-VT cũng đã chấp thuận gia hạn tiến độ hoàn thành trước ngày 30-4-2017 vì vướng mặt bằng dẫn đến thi công "xôi đỗ".
Khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng
Liên quan đến những vướng mắc trong công tác GPMB, ông Bùi Quang Bát cho biết, đến thời điểm này, mặt bằng đoạn qua tỉnh Hòa Bình đã bàn giao được 18,9km/19,3km (đạt 97%), phần mặt bằng chưa giải phóng chỉ còn lại 400m; trong đó, địa phận huyện Kỳ Sơn là 250m và TP Hòa Bình là 150m. Tại địa bàn Hà Nội, tổng diện tích mặt bằng địa phương đã bàn giao cho nhà đầu tư đạt 14,6ha/30,9ha (đạt 47,5%). Tuy nhiên, diện tích mặt bằng đủ điều kiện thi công (các gói thầu đang thi công) chỉ khoảng 8,8ha/14,6ha (chiếm 60%). 40% còn lại tuy đã được bàn giao song không đủ điều kiện đưa nhân lực, máy móc vào thi công nên tiến độ rất ì ạch.
Đại diện UBND huyện Thạch Thất cho biết, tổng diện tích đất phải thu hồi trên địa bàn là 28,2ha, thuộc địa bàn xã Yên Trung và Yên Bình. Vướng mắc nhất là ở các khu vực do đơn vị quân đội quản lý, trước đây đã giao cho các hộ canh tác. Nay, các hộ đã làm nhà ở và sinh sống ổn định. Tuy nhiên, trong bản đồ không đo vẽ diện tích từng hộ sử dụng mà đo gộp chung một thửa... Nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án, cuối tháng 10-2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chỉ đạo: Đối với các trường hợp đã rõ nguồn gốc sử dụng đất, yêu cầu UBND huyện Thạch Thất khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất chưa làm thủ tục đúng quy định thì phê duyệt phương án cho người sử dụng đất theo hồ sơ quản lý. Nếu người sử dụng đất theo hồ sơ quản lý không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thì UBND huyện tạm gửi Kho bạc Nhà nước theo quy định. Tương tự, UBND huyện Ba Vì cũng phải sớm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao đất cho chủ đầu tư. Cùng với đó, UBND TP Hà Nội giao Ban Chỉ đạo GPMB thành phố phối hợp với các sở, ngành đề xuất cơ chế chính sách cho các hộ dân tự lo tái định cư và các hộ dân đang canh tác, sử dụng đất do Bộ Quốc phòng quản lý. Sau khi có chỉ đạo cụ thể của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất đang công bố phương án bồi thường GPMB của các hộ dân. Dự kiến trong tháng 12-2016 sẽ giải quyết dứt điểm các hộ sử dụng đất nông nghiệp.
Ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GT-VT) cho biết: Quỹ thời gian còn lại rất ít trong khi khối lượng thi công còn nhiều. Với phần đất do Bộ Quốc phòng quản lý, Bộ GT-VT đã kiến nghị các cơ quan liên quan tách thành hai phần riêng biệt (dân sự và quân sự) để thuận lợi cho quá trình GPMB. UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư; xem xét ban hành cơ chế đặc thù để rút ngắn trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án... đẩy nhanh công tác GPMB, nhất là đoạn tuyến qua khu vực đất quốc phòng.
Ngày 22-11, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 10029/VPCP-KTN gửi Bộ GT-VT và UBND TP Hà Nội, yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, bảo đảm tiến độ dự án; Bộ GT-VT chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc bàn giao mặt bằng; khẩn trương thực hiện dự án theo đúng hợp đồng BOT đã ký. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.