(HNM) - Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Phú Xuyên gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, đời sống nông dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp...
Do đó, khi thực hiện xây dựng NTM, huyện tập trung vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập. Sau hơn hai năm triển khai các vấn đề trên, diện mạo nông thôn ở Phú Xuyên đang có nhiều khởi sắc, những mô hình cánh đồng mẫu lớn đang hình thành, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Chiêu cho biết, hiện tại huyện Phú Xuyên đã lập đề án xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, định hướng đến 2030, đồng thời chỉ đạo 15 xã giai đoạn 1 lập xong đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, trong đó xã Đại Thắng được chọn làm điểm của huyện. Đối với 11 xã xây dựng NTM giai đoạn 2 của huyện dự kiến lập quy hoạch xong trước ngày 30-10-2012. Để phong trào xây dựng NTM triển khai sâu rộng trong toàn dân đã có 21/26 xã, thị trấn trình huyện duyệt quy ước xây dựng NTM. Do đặc thù là huyện sản xuất nông nghiệp nên việc DĐĐT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất là yếu tố quan trọng trong xây dựng NTM ở Phú Xuyên.
Tại xã điểm Đại Thắng, qua tuyên truyền, vận động người dân thực hiện DĐĐT và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập, đến nay đã cơ bản dồn xong 302ha đất nông nghiệp, rút từ 6-12 thửa ruộng/hộ xuống còn 1 thửa ruộng/ hộ; quy hoạch 200ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; chuyển 54ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và xây dựng, 32 trang trại cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Thông qua chương trình xây dựng NTM, Đại Thắng đã huy động mọi nguồn lực trong dân, đến nay tổng nguồn vốn xây dựng NTM của xã là 35,4 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ là 16,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 16,48 tỷ đồng và hiến 48.320m2 đất làm đường giao thông, thủy lợi… Từ chỗ ban đầu chỉ có một tiêu chí an ninh trật tự là đạt, đến nay, sau hai năm thực hiện Đại Thắng đã có 12/19 tiêu chí đạt, 4 tiêu chí gần đạt.
Tính tới thời điểm này, toàn huyện Phú Xuyên đã dồn đổi được 6.735ha/10.295ha (đạt 65,4%), diện tích chưa DĐĐT là 3.560ha (chiếm 34,6%), dự kiến đến hết năm 2012 sẽ hoàn thành. DĐĐT đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Vụ mùa vừa qua, Phú Xuyên đã triển khai cấy lúa bằng máy ở 9 xã với diện tích 75,18ha. Các xã, thị trấn còn lại đăng ký sẽ triển khai trong vụ xuân năm 2013. Đối với những ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả Phú Xuyên mạnh dạn chuyển đổi 1.200ha sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi tập trung và trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu, để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng NTM, thời gian tới, từ chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của thành phố, huyện sẽ triển khai ở các xã điểm sau đó rút kinh nghiệm cho các xã khác học tập. Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án, xây dựng các dự án ưu tiên phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng phương án và tổ chức thực hiện DĐĐT gắn với công tác quy hoạch, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện tại, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng ở các xã khá thuận lợi, sang vụ xuân 2013, mỗi thôn của một xã sẽ áp dụng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ đó hình thành phương thức sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm huyện mở các lớp nhân cấy nghề và nâng cao tay nghề cho người dân để nâng cao thu nhập đồng thời chỉ đạo các thôn xây dựng quy ước xây dựng NTM, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường làng ngõ xóm; chỉnh trang nhà cửa, giữ gìn cảnh quan thôn xóm, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường… Với cách làm cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, hy vọng phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Phú Xuyên sẽ về đích trong thời gian sớm nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.