Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung cao độ cho phát triển kinh tế và tổ chức thành công Đại lễ

Lê Hương| 08/07/2010 06:35

(HNM) - Hôm qua (7-7), dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục làm việc với nội dung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2010.

Các đại biểu thông qua nghị quyết hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt

Kinh tế phục hồi, nhiều dấu hiệu lạc quan
Tại hội nghị, báo cáo do UV Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình trình bày cho thấy tình hình kinh tế - xã hội của TP trong 6 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu lạc quan. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,1%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2009. Ba lĩnh vực: nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ tăng trưởng từ 7,3% đến 11,5%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 3.437 triệu USD, tăng 10,4% so cùng kỳ, xuất khẩu địa phương đạt 2.276,3 triệu USD… Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều bày tỏ tin tưởng và khẳng định, sự tăng trưởng đó hoàn toàn có cơ sở, là tiền đề quan trọng để hoàn thành những mục tiêu cơ bản đã đề ra năm 2010.

Một số chỉ tiêu là rất khả quan, huy động vốn đầu tư trong 6 tháng đạt gần 70.000 tỷ đồng (tăng 16,5% so với cùng kỳ), thu ngân sách đạt hơn 46.782 tỷ đồng (đạt 52,7% so với dự toán năm)... Trong 6 tháng, TP cấp đăng ký kinh doanh cho 9.400 doanh nghiệp (chỉ tăng 1%), nhưng số vốn đăng ký (85.700 tỷ đồng) lại tăng 53% so với cùng kỳ, chứng tỏ các doanh nghiệp ngày càng mạnh dạn tăng quy mô vốn đầu tư cho Hà Nội. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho kinh tế Thủ đô giai đoạn tiếp theo.

Bí thư Quận ủy Long Biên Trần Văn Thanh khẳng định, đạt được kết quả đó, vai trò, sự đóng góp của các quận, huyện rất lớn. Với tinh thần sẵn sàng chia sẻ, gánh đỡ phần việc cho TP, kể cả những việc khó, tồn đọng, các quận, huyện đều dốc sức làm và đạt kết quả tốt. Đơn cử như một dự án làm đường trên địa bàn quận Long Biên quy hoạch treo 20 năm, sau khi TP giao cho quận chủ trì, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, tài chính, chỉ sau 6 tháng dự án đã được triển khai. Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho rằng, kinh tế tăng trưởng, tạo điều kiện để TP thực hiện bảo đảm an sinh xã hội. Con số 10.200 hộ đã thoát nghèo, 68.000 lao động có việc làm; hoàn thành 1.079 căn nhà cho người nghèo... cùng với việc quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách thể hiện sự quan tâm của TP.

Dốc sức cho Đại lễ
Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được TP chuẩn bị từ nhiều năm trước và đang bước vào giai đoạn nước rút. TP đang tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án. Đến nay, đã có 26 công trình được gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trên phạm vi cả nước (trong đó có 10 công trình trên địa bàn Hà Nội, 8 công trình của các bộ, ngành, 8 công trình của các tỉnh, TP khác). Ban tổ chức đã nhận được gần 500 tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng về Đại lễ; có khoảng 30 đại sứ quán, tổ chức quốc tế đăng ký và tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm và trên 30 đoàn văn hóa, nghệ thuật của các TP trên thế giới đăng ký tham gia biểu diễn trong 10 ngày diễn ra Đại lễ…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Quang Long, đến nay kịch bản lễ khai mạc Đại lễ diễn ra sáng 1-10 và Đêm hội văn hóa nghệ thuật tối 10-10 đã xây dựng xong. TP quyết định hỗ trợ cho mỗi xã, phường 50 triệu đồng để tổ chức tuyên truyền và hoạt động văn nghệ mừng Đại lễ. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho rằng, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là cơ hội nghìn năm có một, vì vậy cùng với tổ chức các hoạt động ở khu vực trung tâm, TP nên khuyến khích các quận, huyện tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật, qua đó tạo cơ hội gắn kết, chia sẻ với nhân dân toàn TP. Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Lê Văn Hoạt, nếu không tổ chức tốt Đại lễ kỷ niệm 1000 năm sẽ có lỗi với nhân dân Thủ đô và cả nước. Vì vậy, phải triệt để giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường văn hóa, để hình ảnh Việt Nam sẽ in đậm trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Bùi Xuân Hộ đề nghị UBND TP tăng cường kiểm tra các công trình, nhất là các công trình kỷ niệm Đại lễ bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt kết quả khá toàn diện là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của TƯ, sự quyết tâm, sáng tạo trong lãnh đạo và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Bên cạnh những ưu điểm, Chủ tịch cho rằng vẫn còn những tồn tại, yếu kém trong việc rà soát, tổ chức thi công các dự án, xây dựng các chung cư cao tầng, đào đường, cải tạo hè phố, phân luồng giao thông... Trong chỉ đạo, điều hành một số nơi còn yếu, thiếu tập trung và quyết liệt trong triển khai dự án hạ ngầm dây điện… Công tác tham mưu và tổ chức thực hiện một số công trình chưa kịp thời, đơn cử như dự án trồng rau an toàn đã được phê duyệt nhưng chậm triển khai. 

Các DN trên địa bàn Hà Nội mạnh dạn tăng quy mô vốn đầu tư. Trong ảnh: Lắp ráp ô tô nông dụng tại Khu CN Thạch Thất - Quốc Oai. Ảnh: Lê Tuấn

Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, phong cách làm việc, tạo chuyển biến trong mọi lĩnh vực
Với tinh thần làm việc dân chủ, trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 20 BCH Đảng bộ TP đã hoàn thành chương trình đề ra. Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, nhiệm kỳ 2006-2010 có dấu ấn hết sức đặc biệt. TP có nhiều thuận lợi, đó là sự quan tâm lãnh đạo của bộ, ngành TƯ, tinh thần đoàn kết, thống nhất của cấp ủy, chính quyền, hơn nữa là sự đồng thuận, ủng hộ của các cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân Thủ đô... song cũng có nhiều thách thức, khó khăn. Vượt qua khó khăn đó, Đảng bộ đã đoàn kết, nhất trí lãnh đạo, chỉ đạo đạt được thành tựu rõ nét và khá toàn diện như, thực hiện tốt Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội; làm tốt công tác cán bộ; chuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch đô thị, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, gây lãng phí tiền của của Nhà nước cũng như của người dân. TP đã tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng việc tổ chức thực hiện các dự án còn chậm. Ý thức của người dân, của cơ quan, doanh nghiệp trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chấp hành luật giao thông, bảo vệ môi trường, môi sinh chưa chuyển biến tích cực.

6 tháng cuối năm 2010, trên địa bàn TP diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng. TP xác định đây là giai đoạn nước rút, đòi hỏi sự tập trung cao độ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể để hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra. Các sở, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện nhiệm vụ gắn với hiệu quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu GDP 6 tháng còn lại có tốc độ tăng 11-11,5% để cả năm tăng trưởng GDP đạt tốc độ hơn 10,5%. Để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trên, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, phong cách làm việc theo hướng chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, hướng về cơ sở "nói đi đôi với làm"; coi trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành công việc. Trong tổ chức thực hiện, cần lựa chọn đúng các nhiệm vụ trọng tâm, các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm và khâu đột phá để chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tạo ra chuyển biến chung trên tất cả các lĩnh vực. Cần khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, phát huy hiệu quả các nguồn lực. Trước mắt, cần chuẩn bị chu đáo tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và tổ chức tốt đại hội Đảng quận, huyện, thị xã, tiến tới Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2010-2015.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung cao độ cho phát triển kinh tế và tổ chức thành công Đại lễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.