(HNMO) - Chiều 18-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã diễn ra Phiên toàn thể (Tọa đàm cấp cao) với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Điều hành Phiên toàn thể có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Dự kiến 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Tại phiên toàn thể, diễn đàn đã nghe Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong báo cáo tóm tắt về nội dung hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong đó, có 3 nội dung đại biểu cho rằng cải cách đột phá luật sẽ mang lại tác động tích cực, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống người dân. Công cụ quan trọng thể hiện quyền năng của nhà nước đó là công tác quy hoạch cần phải được đổi mới cả về nội dung và hình thức; công tác định giá đất hay mở rộng hơn nữa là công tác kinh tế và tài chính đất đai; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Tóm tắt nội dung phiên hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi cho biết, các chuyên gia, học giả đã kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó cần kiểm soát tốt dịch bệnh; bảo đảm sự ổn định vĩ mô đặc biệt là thị trường tài chính, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là những căn cứ quan trọng nhất để các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đạt hiệu lực, hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng khắc phục những bất cập trong quy định của luật pháp và hoàn thiện khung khổ pháp lý và tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ. Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và thực thi nhóm chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động việc làm hiện đại, liên thông đi kèm với các giải pháp nhằm chính thức hóa lao động phi chính thức, bao phủ lưới an sinh xã hội; triển khai đồng bộ chính sách đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành kinh tế phát triển, đẩy nhanh hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, tăng cường liên kết vùng, động lực mới; tăng tốc và đẩy nhanh, mạnh quá trình số hóa, điện tử hóa hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công.
Về tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động - việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2022 và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu là chuyên gia, doanh nhân… trao đổi, đóng góp ý kiến về khả năng phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa là hợp lý
Sau Phiên toàn thể, diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 tiến hành Phiên tọa đàm cấp cao.
Tham gia thảo luận, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành nhận định, trong khi các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất thì Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Lựa chọn này có cơ sở là cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, thâm hụt, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan.
Việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa khi ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định.
“Kết quả của lựa chọn chính xác này là khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2022 tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ”, ông Võ Trí Thành nói.
Về chính sách tài khóa hỗ trợ mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường. Qua chính sách này, ngân sách đã hỗ trợ khoảng hơn 13.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ cho giảm thuế ưu đãi nhập khẩu với xăng dầu từ 20% xuống 10%. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu chính sách thuế bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư xem xét quyết định. Qua đó có được những công cụ linh hoạt để ứng phó với sự biến động mạnh của giá nhiên liệu thế giới.
Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trong hơn 10 năm qua, biện pháp hành chính đã thể hiện được sự hiệu quả trong ổn định hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, ở mức trên 30%. Trong 10 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức 12-14%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, để tăng trưởng kinh tế, cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng ngân hàng, mà bản thân nền kinh tế cần có vốn, chủ thể đầu tư. Các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và cần khơi thông đầy đủ các kênh vốn này.
“Năm nay, Ngân hàng nhà nước đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng hỗ trợ cho phát triển kinh tế khoảng 14%, là mức cao hơn hai năm trước. Trong bối cảnh nhiều biến động và thách thức, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng để đạt được mức cao này”, ông Phạm Thanh Hà nói.
Trưởng đại diện JETRO Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Takeo Nakajima cho biết các công ty FDI mong muốn Việt Nam bảo đảm nguồn nhân lực khi vấn đề cấp bách đối với các doanh nghiệp FDI là tuyển dụng. Sẽ rất hữu ích nếu chính quyền địa phương khuyến khích đào tạo người lao động và cung cấp phương tiện đi lại và chỗ ở thuận tiện cho người lao động tại các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp địa phương của Việt Nam. Theo đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đòi hỏi đa dạng hóa mạng lưới, có nghĩa là JETRO cần các đối tác địa phương tốt.
Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm
Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Khẳng định chất lượng tại các phiên thảo luận chuyên đề và điểm lại nội dung chính trao đổi tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, diễn đàn lần này đã ghi nhận nhiều ý kiến nhưng đánh giá tình hình thế giới và Việt Nam là thống nhất, có sự đồng thuận cao.
Theo đó, hậu quả nặng nề cả về kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 cơ bản kiểm soát và mở cửa trở lại trên đà phục hồi, nhưng cũng phát sinh những tình huống mới, vẫn có nguy cơ dịch chồng dịch. Đầu năm 2022, xung đột địa chính trị làm trầm trọng thêm những khó khăn thế giới phải đương đầu về đứt gãy chuỗi cung ứng làm giá năng lương và lương thực tăng cao. Yếu tố đình đốn và lạm phát tăng cao. Tăng trưởng 2022 giảm một nửa so với 2021 còn lạm phát tăng gấp đôi, nhất là tại các nền kinh tế lớn và nhiều trong số đó là đối tác lớn của Việt Nam. Cùng với đó là biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp. Công cuộc chuyển đổi số chuyển đổi xanh chuyển đổi năng lượng trên thế giới diễn ra khẩn trương đặt ra nhiều cơ hội cũng như các thách thức.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ tán thành với các ý kiến trao đổi tại diễn đàn, trong đó ghi nhận Chính phủ tích cực ban hành các chính sách dù có những độ trễ nhất định nhưng khi chính sách ban hành đều được triển khai nhanh.
Về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng lạm phát cao của thế giới là do đứt gãy nguồn cung mà không phải do chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, tùy từng giai đoạn, nguyên nhân của lạm phát có lúc do yếu tố đứt gãy nguồn cung, có lúc có yếu tố tiền tệ và có lúc có sự tác động cả hai yếu tố. Do đó, để có thể thực hiện kiên định chính sách đang thực thi trong chính sách tài khóa, mở rộng dư địa, kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ song vấn có sự linh động cần phải đánh giá được nguyên nhân thực trạng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan lưu ý để nghiên cứu phân tích đối với nhận định cho rằng dự toán thu ngân sách quá thận trọng khiến cho Việt Nam tự thu hẹp không gian của chính sách tài khóa.
Về gói tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên chất vấn của Quốc hội đã có giải pháp, song với thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô, bên cạnh giới hạn tổng mức tín dụng còn cần chú trọng về cơ cấu và chất lượng tín dụng, tính toán cơ cấu tín dụng để đưa vốn vào khu vực có nhu cầu thực. Đồng thời cần tăng cường doanh thu dịch vụ gia tăng phi tín; tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng...
Về các thị trường như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, thị trường bất động sản…, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các loại thị trường đều là “mạch máu” của nền kinh tế. Do đó, cần bảo đảm lưu thông lành mạnh bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, một trong những kết quả đạt được tại diễn đàn là các ý kiến đều thống nhất rằng, ngoài tập trung các mục tiêu trước mắt nhưng không quên mục tiêu dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm như định hướng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều thách thức nhưng các ý kiến đều đạt sự đồng thuận, thống nhất. Theo đó, về giải pháp dài hạn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật trong đó có thể chế, chính sách về đất đai. Cùng với đó là vấn đề quy hoạch và liên kết phát triển vùng và khu vực, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… là những vấn đề được quan tâm đặt ra tại diễn đàn.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan phối hợp tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn kết quả của diễn đàn tiếp tục được phát huy trong các năm tiếp theo và tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tham gia, theo dõi của các cơ quan, tổ chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.