(HNM) - Các vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, đặc biệt là đại án tại Ngân hàng Oceanbank đang trong giai đoạn xét xử sơ thẩm cho thấy rõ sự hiện hữu của “lợi ích nhóm”, một dạng tham nhũng nghiêm trọng bậc nhất. Tình hình đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp quyết liệt, xứng tầm để chống “lợi ích nhóm”.
Nguy cơ bao trùm
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), các nhóm lợi ích thường tiến hành các hoạt động để đạt tới “lợi ích nhóm” bằng năm cách. Một trong số đó là tạo các quan hệ tốt với cấp trên, với cơ quan có thẩm quyền, khi cần thiết thậm chí còn hối lộ để có thể xin được kinh phí, đề tài, dự án... cho nhóm hay tập đoàn mình trong khi các điều kiện cần thiết chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, các nhóm lợi ích còn tạo dựng quan hệ, móc nối với cá nhân có chức quyền; hình thành các doanh nghiệp “sân sau”, “mạnh thường quân”, "thân hữu", trung thành với những người có chức, có quyền…
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trả lời thẩm vấn trong phiên tòa xét xử vụ án tại Ngân hàng Oceanbank. |
Đại án tại Ngân hàng Oceanbank đang được Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử là một ví dụ. Hàng trăm người dính líu tới vụ án, bị chi phối bởi một nhóm người có quyền lực và có tiền trong tay. Hơn 1.500 tỷ đồng được sử dụng để chi lãi ngoài, một dạng “hoa hồng”, nhưng thực chất là móc ngoặc biển thủ tiền của tập thể, trong đó có cả sở hữu của Nhà nước. Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đại án này là điển hình trong hoạt động ngân hàng bị “lợi ích nhóm” chi phối. Các vụ án tham nhũng nghiêm trọng khác liên quan đến Nguyễn Đức Kiên, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Phạm Thanh Bình cũng cho thấy rõ sự cấu kết của “lợi ích nhóm”, “sân sau”…
Không chỉ vậy, những bất cập liên quan đến một số dự án phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) được làm rõ gần đây cũng cho thấy có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, cần phải làm rõ. Không chỉ gây thiệt hại cho kinh tế đất nước, những dự án này còn làm người dân bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
PGS.TS Nguyễn Sinh Cúc (Viện Khoa học thống kê) cho rằng, “lợi ích nhóm” tiêu cực biểu hiện trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; là căn bệnh được lập trình sẵn của mọi nền kinh tế thị trường, nhất là các nền kinh tế chuyển đổi.
Việt Nam cũng không ngoại lệ và không có lựa chọn nào khác là phải đối diện với nó. Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng nhận định: Nguy cơ “lợi ích nhóm” bao trùm tất cả các nguy cơ khác như: Tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, qua các vụ án tham nhũng nổi lên 3 vấn đề. Đó là việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả; đạo đức công vụ của cán bộ trong một số lĩnh vực yếu kém; hoạt động của kiểm toán nội bộ, thanh tra chuyên ngành chưa hiệu quả. Đây là những điều kiện để “lợi ích nhóm” tiêu cực phát triển, ăn sâu vào bộ máy các cơ quan có quyền lực. Để chống “lợi ích nhóm”, nhất quyết phải tập trung khắc phục 3 vấn đề này.
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, có rất nhiều giải pháp chống “lợi ích nhóm”, nhưng trước hết phải thực hiện tốt giải pháp công khai, minh bạch. Khi không minh bạch thì giống như chưa đủ ánh sáng, còn để cho bóng tối che khuất, dù cố ý hay vô tình thì cũng là chừa nơi ẩn nấp cho “lợi ích nhóm”. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vì không thể nào chống lại “lợi ích nhóm” nếu như chưa nhận thức được nguy hiểm của nó.
Tại cuộc họp đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị cần quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực; đặc biệt là hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Văn Đính (Trưởng khoa Chính trị học - Học viện Chính trị khu vực III) chỉ ra rằng, cùng với cơ chế công khai, minh bạch, cần tập trung xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, sự độc quyền trên một số lĩnh vực kinh tế; hoàn thiện các quy định pháp luật về hội, vận động hành lang, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp cận thông tin, chống độc quyền… Ông cũng đề nghị, cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu thật rõ ràng, rành mạch; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển chọn, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và thường xuyên thực hiện luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực, vị trí nhạy cảm.
Ngăn chặn, đẩy lùi "lợi ích nhóm", "sân sau", là một nội dung quan trọng đã được đưa vào trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nhiệm vụ này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy các cấp và của mỗi cán bộ, đảng viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.