(HNM) - Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 được tổ chức ngày 12-3, Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá lợn hơi xuống còn 70.000 đồng/kg. Sau động thái này, hiện giá thịt lợn ở các trang trại, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể. Để bình ổn thị trường thịt lợn trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cũng như thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều giải pháp...
Giá thịt lợn đồng loạt giảm
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình giá thịt lợn. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì cùng Bộ Công Thương và các cơ quan chỉ đạo cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng bảo đảm giá cả cho người dân không được để tăng giá, trong khi giá thành sản xuất thịt lợn thấp. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã đề nghị 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg để ổn định thị trường.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, ngay sau khi có chỉ đạo trên, giá lợn hơi ở các trang trại tại miền Bắc đã rời "đỉnh" 92.000 đồng/kg, có ngày giảm gần 10.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá lợn hơi từ 82.000 đồng/kg đến 85.000 đồng/kg, giảm khoảng 7.000 đồng/kg - 9.000 đồng/kg so với tuần trước. Ông Nguyễn Văn Thanh - chủ trang trại chăn nuôi ở xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) cho biết, trung bình mỗi ngày trang trại xuất bán 50-100 con lợn với giá 82.000 đồng/kg. Trong thời gian tới, khi nguồn cung dồi dào chắc chắn giá tiếp tục giảm.
Không chỉ các trang trại, giá bán cho tiểu thương tại các cơ sở giết mổ ở Hà Nội cũng đã giảm. Ông Bùi Quang Vinh - chủ cơ sở giết mổ ở huyện Thường Tín cho biết, mỗi ngày cơ sở của ông giết mổ 100 con lợn bán ra thị trường. Khoảng 3 ngày nay, giá lợn mua của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam giảm, chỉ còn gần 80.000 đồng/kg, do đó, cơ sở bán thịt lợn móc hàm cho tiểu thương đem ra chợ bán từ 105.000 đồng/kg đến 110.000 đồng/kg; giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với tuần trước.
Hiện tại, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cũng đã giảm.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - chủ cửa hàng chuỗi thực phẩm sạch Nông Trang ở quận Hà Đông cho biết, hiện nay giá bán các loại thịt lợn sinh học ở cửa hàng giảm nhiều so với tuần trước.
Nhận định về giá thịt lợn giảm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội đã tăng đàn được gần 500.000 con, nguồn cung bắt đầu tăng lên. Cùng với đó, hiện nay giá thịt gia cầm tương đối rẻ nên nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng loại thịt này, cũng sẽ giảm áp lực cho nguồn cung thịt lợn.
Kiểm soát giá thành và giá bán
Đánh giá về việc giảm giá thịt lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nay giá thành sản xuất chỉ xoay quanh ngưỡng 40.000 đồng/kg - 45.000 đồng/kg nên việc đưa về mức giá trên là phù hợp để thị trường phát triển bền vững. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá thịt lợn, lợn giống.
Trước mắt, để tăng nguồn cung cho thị trường, Bộ NN&PTNT tiếp tục làm việc với doanh nghiệp của các nước để nhập khẩu thịt lợn. Tính đến ngày 15-3, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 25.291 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Tập đoàn Miratorg (Nga) và đến cuối tháng 3-2020, lô hàng thịt lợn của doanh nghiệp này sẽ về Việt Nam, chắc chắn nguồn cung sẽ dồi dào.
Riêng với Hà Nội, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, Sở NN&PTNT đang tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất ở các huyện, thị xã; vừa thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vừa chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn người dân tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cũng cho biết, Sở sẽ tăng cường phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung ứng rau thịt an toàn để đưa nông sản thực phẩm về thành phố. Hiện mỗi ngày có hàng chục nghìn tấn nông sản thực phẩm được chuyển về Hà Nội. Bên cạnh đó, còn có 200 nhà cung cấp đã kết nối trực tiếp, đưa sản phẩm của các địa phương tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ trên địa bàn Thủ đô như: Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op, Hapro...
Theo ông Trần Mạnh Chiến - người đứng đầu chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, để ổn định giá thịt lợn, các ngành chức năng cần hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn với lãi suất ưu đãi để đẩy nhanh việc tái đàn. Cùng với đó, các bộ, ngành và lực lượng quản lý thị trường phải kiểm soát chặt chẽ, có biện pháp xử lý nghiêm việc tăng giá lợn bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Triển khai đồng bộ những giải pháp nêu trên, nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ tăng và hoàn toàn có thể đưa giá thịt lợn hơi về mức hợp lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.