(HNM) - Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, hai cường quốc biển Nhật Bản và Mỹ vẫn khởi động cuộc tập trận hải quân chung quy mô lớn mang tên “Dawn Blitz” từ ngày 11-6, tại căn cứ thủy quân lục chiến Pendleton và đảo San Clemente nằm ở khu bờ biển phía nam bang California (Mỹ).
Cuộc tập trận chung đầu tiên của ba lực lượng phòng vệ quan trọng của Nhật Bản (bộ binh, hải quân, không quân) kéo dài hơn hai tuần trên đất Mỹ một lần nữa hướng sự chú ý của dư luận thế giới tới Châu Á - Thái Bình Dương - một khu vực địa chiến lược - kinh tế quan trọng trên toàn cầu.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tới Mỹ để tiến hành tập trận chung. |
Không chỉ huy động khoảng 1.000 binh sĩ, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) còn điều tàu sân bay trực thăng Hyuga, tàu hộ vệ và chiến hạm Aegis Atago… tham gia cuộc thao luyện hải chiến chiếm đảo kéo dài đến ngày 26-6 này. Tại cuộc tập trận, binh sĩ hai nước diễn tập các kỹ năng ứng phó cũng như phối hợp hành động với tình huống giả định xảy ra thiên tai, những kỹ năng cần thiết giúp đổ bộ nhanh, bảo vệ lãnh thổ và cứu trợ trên biển... Một nội dung không kém phần quan trọng được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đề cập tới trong thao luyện là thực hành phương án giành lại quyền kiểm soát các đảo xa ngoài khơi Nhật Bản. Đáng chú ý là máy bay vận tải hạng nặng thế hệ mới có tên Ưng biển - MV22 của quân đội Mỹ sẽ hạ cánh và di chuyển trên tàu sân bay Hyuga của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản như một bài thực hành trong cuộc tập trận chung.
Các quan chức quân sự hai nước Mỹ - Nhật đều lên tiếng khẳng định cuộc tập trận là cần thiết, nhằm giúp Tokyo nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong bối cảnh Washington đang đẩy mạnh chiến lược ngoại giao hướng tới Châu Á - mà Nhật Bản là một trong những đồng minh chiến lược không thể thiếu. Nhưng Trung Quốc lại có cái nhìn khác về cuộc tập trận chung này khi căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh về chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuộc tập trận lại diễn ra chưa đầy một tuần sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California. Dù không đề cập trực tiếp tới cuộc tập trận hay đưa ra yêu cầu nào với Washington và Tokyo xung quanh sự kiện này, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ mong muốn các bên liên quan không nên làm căng thẳng thêm tình hình trên Thái Bình Dương.
Là một trong những nước có lực lượng hải quân được trang bị và huấn luyện tốt nhưng năng lực tấn công bờ biển cũng như khả năng đổ bộ tác chiến của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chưa thực sự mạnh kể từ khi thành lập vào những năm 50 của thế kỷ trước. Do đó, thời gian qua, Nhật Bản không ngừng nâng cấp khí tài cũng như tăng cường huấn luyện binh sĩ để sẵn sàng đối phó với các cuộc xung đột có thể xảy ra quanh các hòn đảo mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Không dừng lại ở đó, các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây còn để ngỏ khả năng thành lập đơn vị quân đội mới có nhiệm vụ tái chiếm các đảo xa của đất nước Mặt trời mọc dễ bị nước ngoài xâm chiếm. Với Nhật Bản, đây là bước đi cần thiết nhằm đáp lại vụ các tàu hải giám Trung Quốc thời gian qua liên tục xâm phạm lãnh hải nước này trên biển Hoa Đông. Thế nên, cuộc thao luyện chung với quân đội Mỹ - cuộc tập trận chung đầu tiên ở nước ngoài của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản - tại phía nam bang California có ý nghĩa quan trọng.
Trong bối cảnh hiện nay, dẫu không nhằm vào bất cứ quốc gia nào nhưng cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật vẫn khiến Thái Bình Dương “nổi sóng”. Dù Mỹ tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư nhưng quần đảo này nằm trong phạm vi điều chỉnh của một hiệp ước quân sự chung Mỹ - Nhật cũng như việc Mỹ không ngừng đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nhật Bản đã khiến các quốc gia trong khu vực không thể không quan tâm tới cuộc tập trận chung đang diễn ra. Giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật về chủ quyền lãnh hải chưa có lối thoát, cuộc diễn tập đổ bộ liên hợp Mỹ - Nhật được nhìn nhận có thể mở ra những bước đi khó đoán định trên biển Hoa Đông nói riêng, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.