(HNM) - Hải đội các nước Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đang có cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên Malabar 2016 tại vùng biển phía Tây Thái Bình Dương - cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc khoảng 400km.
Nhật Bản sẽ giữ vai trò chủ trì trong đợt tập trận Malabar năm nay. |
Cuộc tập trận này có sự hiện diện của nhiều loại khí tài hết sức hiện đại, tập trung vào các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, ngăn chặn đường biển và huấn luyện phòng không nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến và bảo đảm lợi ích an ninh hàng hải chung.
Trong đó, Ấn Độ mang đến máy bay P-8 Poseidon có khả năng phát hiện và gửi chỉ dẫn tọa độ cho hạm đội hoặc máy bay đồng minh ngay khi phát hiện tàu đối phương cùng các tàu tấn công lớp Rajput, tàu hộ tống lớp Brahmaputra và Shivalik (tất cả đều sở hữu khả năng phòng không, chống tàu ngầm). Trong khi Nhật Bản có Hyuga - một trong ba chiến hạm chở trực thăng săn ngầm mới nhất, máy bay do thám biển P-3C, tàu tấn công JS Fuyuzuki (ra mắt lần đầu trong sự kiện tập trận này). Hoành tráng hơn, Hải quân Mỹ đã cử hàng không mẫu hạm Nimitz USS John C Stennis - một trong 11 chiếc tàu sân bay năng lượng hạt nhân - chở theo hàng chục chiến đấu cơ các loại tham gia tập trận. Hộ tống mẫu hạm này là các chiến hạm USS Forth Worth, USS Normandy và tàu ngầm hạt nhân USS City of Corpus Christi. Cách đây 4 tháng, cũng chính chiến hạm USS Forth Worth đã thực thi quyền tự do hàng hải quốc tế khi vào vùng biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đây là cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Ấn Độ được bắt đầu từ năm 1992, nhưng đối với New Dehli, lần biểu dương sức mạnh hải quân năm nay thể hiện thay đổi quan trọng trong quan điểm của quốc gia này về chiến lược biển nói chung và ý nghĩa của Malabar nói riêng. Năm 2007, dù ba nước Singapore, Australia và Nhật Bản mới tham gia với tư cách khách mời, Trung Quốc đã ngay lập tức mở chiến dịch tấn công ngoại giao, buộc New Delhi phải đưa Malabar trở về diễn tập song phương. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, sự hiện diện trở lại của Nhật Bản với tư cách chủ trì, Malabar đã chính thức trở thành cuộc diễn tập ba bên, một bước đi mà New Delhi đã mong muốn nhằm tạo ra tam giác liên kết chiến lược có khả năng kiềm tỏa, răn đe mạnh mẽ đối với khu vực.
Thời gian gần đây, Trung Quốc được nhìn nhận có xu hướng gia tăng hoạt động ở Ấn Độ Dương và nhiều tàu ngầm hạt nhân của quốc gia này đã có mặt ở vùng biển phía Tây Ấn Độ. Trong khi đây được xem là vùng ảnh hưởng truyền thống và gắn liền với lợi ích an ninh, kinh tế của New Dehli. Trong đó, vịnh Bengal là khu vực cửa ngõ nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương (bao gồm cả Biển Đông). Vì vậy, sự gia tăng vai trò quân sự của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi trên một vùng biển rộng lớn như trên là hoàn toàn có thể lý giải. Do đó, trong Malabar 2016, quân đội của quốc gia Nam Á này sẽ triển khai hàng loạt tàu ngầm lớp Kilo sau nhiều năm "giấu kín", một loại tàu được đánh giá là có số lượng không nhỏ trong biên chế Hải quân Trung Quốc hiện nay. Kịch bản diễn tập của Malabar 2016 là săn lùng các tàu ngầm lạ cũng phần nào thể hiện sự quyết đoán của New Dehli trong việc bảo vệ và tiếp tục mở rộng vai trò cường quốc biển.
Trong khi đó, việc tham gia Malabar 2016 của Nhật Bản đã phản ánh được chính sách đối ngoại và quân sự năng động, tự chủ hơn mà một trong những lý do quan trọng là bắt nguồn từ các thách thức an ninh và tranh chấp chủ quyền ngày càng căng thẳng tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Với Mỹ, việc duy trì tập trận thường xuyên tại các vùng biển đã trở thành một chính sách xuyên suốt và lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh Washington khẳng định sự ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như Ấn Độ Dương là nằm trong lợi ích của Mỹ.
Như thế, có thể thấy rằng Malabar 2016 một lần nữa khẳng định mối liên kết Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ trên cơ sở chiến lược của từng quốc gia. Điều này cũng định hình một xu hướng và tạo lập cơ cấu cân bằng quân sự mới trên bình diện toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức mới nảy sinh, duy trì an ninh khu vực và trên toàn thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.