Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập Sắc lệnh đặc biệt

Phong Thu| 02/09/2017 07:51

(HNM) - Đúng dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2-9, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) đã tổ chức trưng bày Bảo vật quốc gia “Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946”.


Độc giả xem trưng bày.


Trong khuôn viên tầng 2 của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang trưng bày hàng trăm bức ảnh về những ngày tháng lịch sử cùng các Sắc lệnh có giá trị pháp lý cao nhất, được ban hành trong quá trình hoạt động của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giúp người xem hiểu rõ về lịch sử, chính trị - xã hội của dân tộc Việt Nam năm 1945, đầu năm 1946. Đây là những bản gốc duy nhất của Sắc lệnh, được đánh máy trên nền chất liệu giấy, có sử dụng một số giấy dó, có chữ ký tươi cũng như bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số thành viên Chính phủ Lâm thời.

Phần trưng bày được chia thành 4 nội dung: Cách mạng Tháng Tám thành công - Bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam; Bước đầu xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước; Khắc phục khó khăn kinh tế, tài chính và Xây dựng, phát triển văn hóa, giáo dục, củng cố quốc phòng, an ninh - xã hội, ngoại giao.

Có mặt từ sớm để tìm hiểu các tư liệu lịch sử, ông Đào Quang Minh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghệ hành chính ADDJ cho biết: “Tôi rất xúc động vì lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy những thông tin quan trọng về hoạt động của Chính phủ Lâm thời lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta xây dựng, củng cố chính quyền, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, từng bước xóa bỏ những tàn tích của chế độ cũ và xác lập thể chế dân chủ của Nhà nước mới”.

Cùng chung cảm nhận này, bà Nguyễn Thị Loan, ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, chia sẻ: “Tôi rất cảm phục vì chúng ta đã lưu trữ được rất nhiều Sắc lệnh quý. Tất cả đều còn nguyên vẹn, rõ nét và dễ nhìn”. Bà Loan cho biết, rất ấn tượng với một loạt Sắc lệnh về tổ chức cuộc bầu cử. Thực hiện các Sắc lệnh đó, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra sôi nổi và thành công trên phạm vi cả nước với hơn 89% số cử tri trong cả nước tham gia bỏ phiếu. Điều đó thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua giai đoạn đầy cam go của đất nước.

Khẳng định, đây là Tập Sắc lệnh có giá trị đặc biệt, liên quan đến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, gắn liền với thành quả của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập, hoạt động của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, quá trình chuẩn bị trưng bày rất công phu. “Ngay từ đầu năm 2017, chúng tôi đã xem xét, đánh giá 118 Sắc lệnh để chọn ra những Sắc lệnh ý nghĩa, tiêu biểu và chia thành các nhóm nội dung trưng bày lần này. Ý thức được vai trò của mình nên chúng tôi đã lưu trữ một cách tốt nhất để các tài liệu quan trọng này trường tồn với thời gian. Quan trọng hơn nữa là giới thiệu để người dân biết đến tầm quan trọng của khối tài liệu quý này” - bà Trần Việt Hoa cho hay.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước: “Việc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chọn trưng bày Tập Sắc lệnh đúng dịp Quốc khánh 2-9 và tổ chức trưng bày ở ngay cơ quan thực hiện chức năng lưu trữ nhà nước của Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò của Tập Sắc lệnh - ngoài việc là bảo vật quốc gia còn là tài liệu lưu trữ quốc gia”.

Ngày 22-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2496/QĐ-TTg công nhận “Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 30-8-1945 đến 28-2-1946, hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là Bảo vật quốc gia". Sau đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước sẽ bố trí người thuyết minh về Tập Sắc lệnh cho nhân dân đến xem trưng bày. Thời gian trưng bày kéo dài đến hết tháng 9-2017.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập Sắc lệnh đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.