(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất, lưu thông hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Với 1.054 sản phẩm OCOP đã được công nhận, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm khai thông các kênh bán hàng. Trong đó, có việc tập huấn miễn phí về bán hàng trực tuyến cho các chủ thể tham gia chương trình và các nhà phân phối sản phẩm...
Góp phần duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, các sàn thương mại điện tử đã trở thành điểm “đi chợ” của đông đảo người tiêu dùng Hà Nội. Tại đây, các “bà nội trợ” có thể lựa chọn đủ loại thực phẩm từ rau, củ, đồ khô, đồ tươi sống, đặc sản vùng miền với giá cả và thông tin sản phẩm rõ ràng, minh bạch, chi tiết.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Ubofood Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch: Hiện tại, đơn vị đang phân phối hơn 1.500 sản phẩm của 200 nhà cung cấp trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố, trong đó có gần 100 sản phẩm OCOP chủ yếu của Hà Nội như: Thịt lợn sinh học, gà đồi, mỳ, miến, rau, quả sạch... Do sự tiện lợi, an toàn nên lượng khách hàng mua sản phẩm trong thời gian này tăng cao, doanh thu của Công ty cổ phần Ubofood Việt Nam trong 1 tháng giãn cách xã hội tăng gấp 10 lần so với thời gian trước...
Không chỉ với Công ty cổ phần Ubofood Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều gia đình đã chuyển sang mua hàng qua mạng internet. Đây cũng chính là cơ hội để các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp chuyển đổi sang phương thức mua bán trực tuyến.
Tuy nhiên, để gặt hái thành công trong thương mại điện tử đối với người nông dân, hợp tác xã hay các doanh nghiệp nhỏ là cả vấn đề. Để bán hàng trên mạng xã hội, đòi hỏi các chủ thể OCOP cần thành thạo công nghệ; có kỹ năng bán hàng, chụp ảnh, viết bài, trả lời trực tuyến và quan trọng hơn là giữ “chữ tín”. Đặc biệt, với sản phẩm OCOP, để tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về chất lượng do các sàn giao dịch đặt ra.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens (đơn vị có sản phẩm OCOP Trà xạ đen được UBND thành phố Hà Nội công nhận “4 sao”) Trịnh Kim Thư cho biết: "Bản thân tôi và rất nhiều chủ thể OCOP chưa từng kinh doanh trực tuyến nên có nhiều bỡ ngỡ. Sản phẩm Trà xạ đen trước đây chủ yếu bán trực tiếp, khách hàng được trải nghiệm, dùng thử rồi mới tin tưởng mua. Do vậy, bán hàng trực tuyến là thách thức rất lớn".
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến hết năm 2020, thành phố có 1.054 sản phẩm OCOP. Trong đó, chiếm số lượng lớn là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ... Việc thúc đẩy thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Giải pháp hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển
Tham gia thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, livestream (phát hình trực tiếp) quảng bá sản phẩm là giải pháp hữu hiệu giúp chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gãy trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do vậy, từ tháng 6-2021, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức “Ngày hội livestream sản phẩm OCOP” hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm OCOP và bước đầu đem lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Tiếp tục trợ giúp các chủ thể, các nhà phân phối, bán lẻ sản phẩm OCOP trên thị trường, mới đây, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn trực tuyến miễn phí để nâng cao kiến thức, kỹ năng bán hàng cho các chủ thể của Chương trình OCOP. Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất kết nối với nhau để hình thành các chuỗi cung ứng nông sản thương mại điện tử.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin: “Trong những ngày giãn cách xã hội, chúng tôi đã mở 2 lớp học bán hàng trực tuyến miễn phí cho người dân với thời gian học là 3 buổi; giảng viên là cán bộ của Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN”.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens Trịnh Kim Thư cho biết: "Tham gia tập huấn, chúng tôi đã nắm bắt được các kỹ năng xây dựng thương hiệu, bán hàng livestream để đưa sản phẩm OCOP ra thị trường; đồng thời, các chủ thể đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong việc bán hàng trên hệ thống thương mại điện tử, mạng xã hội… ".
Trên các nền tảng của công nghệ thông tin, những mô hình kinh doanh trực tuyến đã mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội, không chỉ bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong thời điểm hiện tại mà còn phù hợp với xu hướng phát triển thương mại điện tử trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.