Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận danh hiệu Anh hùng

Thanh Hiền| 26/12/2015 20:03

(HNM)- Sáng 26/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.


Đến dự và trao tặng danh hiệu cao quý này có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn đã hoàn thành và vươn lên có được vị thế như ngày hôm nay. Đặc biệt trong giai đoạn những năm 2006 trở lại đây khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Vinatex đã có bước tăng trưởng vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 3 lần, chất lượng tăng trưởng được cải tiến rõ rệt. Giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ nội địa hóa tăng, tình hình tài chính lành mạnh, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm ngàn lao động. Đồng thời, có bước đi hợp lý trong đầu tư, lựa chọn công nghệ gia tăng năng suất lao động, chủ động cho hội nhập nhất là khi các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các thị trường lớn có hiệu lực.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: "Tập đoàn là một trong những đơn vị nhà nước đi đầu trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp với việc chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần có bước phát triển tốt đáp ứng các chuẩn mực của thị trường".

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và yêu cầu Tập đoàn cần tiếp tục vai trò làm hạt nhân của ngành dệt may cả nước, phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu lên 6 tỷ USD và tạo việc làm cho trên 300 nghìn lao động như mục tiêu đề ra. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung và năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm nói riêng, phát triển vững chắc tại các thị trường hiện có, chủ động thâm nhập thị trường mới nhất là những thị trường mới ký kết những hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng cần tích cực đổi mới thiết bị công nghệ khoa học kỹ thuật theo hướng nâng cao năng suất lao động, đồng thời tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực tương xứng cả về số lượng và chất lượng để phấn đấu trở thành một trong 5 nước hàng đầu về xuất khẩu về sản xuất dệt may trên thế giới. Cùng đó, hình thành nhanh chuỗi cung ứng trong Tập đoàn và các doanh nghiệp nâng cao liên kết để thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa, có bước đi phù hợp trong việc sản xuất các nguyên liệu đầu vào đưa vải, phụ kiện lên thành phẩm.

Báo cáo tại buổi lễ, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, trong suốt quá trình phấn đấu không mệt mỏi, Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiên phong mở đường xây dựng thị trường mới, hội nhập quốc tế, định hướng phát triển toàn ngành theo hướng cung ứng dịch vụ dệt may hoàn chỉnh. Ngành may đã đạt đến trình độ tiên tiến, có khả năng thực hiện được hầu hết mọi loại đơn hàng với cấp chất lượng khác nhau. Với ngành dệt, nhuộm hoàn tất mà Việt Nam đang còn yếu, Vinatex cũng đã tiên phong nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư để mở nút thắt này.

Tập đoàn đã và đang xây dựng giá trị và sự hài lòng cho khách hàng bằng giải pháp cung cấp các dịch vụ may mặc trọn gói, thời trang, chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Vinatex đạt hiệu quả sản xuất cao nhờ liên tục cải thiện chất lượng quản lý và chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu và đầu tư phát triển kỹ thuật sản xuất mới, tạo môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp. Mỗi năm, doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn tăng trưởng hơn 12%, đóng góp hơn 15% vào tổng kim ngạch của toàn ngành. Giải quyết việc làm ổn định và thu nhập ngày càng tăng cho hơn 120.000 người lao động, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế các địa phương, nhất là các địa phương nghèo vùng sâu, vùng xa giúp con em nông dân “ly nông, bất ly hương”, giảm áp lực dân số cho thành thị.

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam là bước mở đầu trong chiến lược chuyển đổi toàn diện, mở ra một trang sử mới cho Tập đoàn, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và khả năng khai thác cơ hội kinh doanh thích ứng với xu thế phát triển của ngành dệt may trong những thập kỷ tới. Với mô hình mới, Vinatex hội tụ các điều kiện cần và đủ để gia tăng năng lực, huy động vốn cho toàn hệ thống Tập đoàn, tạo nền tảng cơ bản để đổi mới năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu của Vinatex trên thị trường quốc tế, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Đứng trước các cơ hội với kỳ vọng dựa vào thế mạnh sẵn có trong lĩnh vực dệt may, Vinatex đã đặt ra mục tiêu đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD trước năm 2020 thông qua việc cung cấp các giải pháp trọn gói và chất lượng cao trong lĩnh vực hàng may mặc. Vinatex tập trung phát triển thị trường, theo đuổi chiến lược chuyển đổi mô hình sản xuất từ phương thức sản xuất cắt và may gia công (CMT) lên phương thức sản xuất trọn gói (FOB) và tiến lên nữa là phương thức sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) nhằm đạt được biên lợi nhuận tốt hơn.

Vinatex sẽ tập trung đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu; trong đó chú ý phát triển các dự án sợi, dệt nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đáp ứng xu thế hội nhập, nhất là cơ hội xuất khẩu mặt hàng may mặc tăng cao khi các FTA có hiệu lực. Việc thúc đẩy đầu tư nguyên liệu sẽ kéo theo các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may được nâng cao.

Trong chiến lược phát triển của mình, Vinatex nỗ lực triển khai các dự án đầu tư cũng như kêu gọi đối tác trong và ngoài nước cùng đầu tư vào các dự án dệt, nhuộm hoàn tất và nguyên phụ liệu. Đây là chiến lược quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành dệt may Việt Nam, giúp tạo giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho ngành, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa./. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận danh hiệu Anh hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.