(HNM) - Ngay từ tháng đầu tiên của năm 2014 các doanh nghiệp dệt may đã đạt hiệu quả sản xuất cao.
Có được kết quả này, một phần do các DN đã chủ động được đơn hàng từ những tháng cuối năm 2013. Nhiều DN lớn đã có đủ đơn hàng để sản xuất đến hết quý II-2014. Bên cạnh đó, với chế độ lương, thưởng tốt, nhiều DN đã thành công trong việc giữ chân người lao động. Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, các DN thành viên của Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex) đều có mức thưởng từ 2 đến 2,5 tháng lương/người, cùng với các chế độ ưu đãi khác. Nguồn lao động ổn định là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sự thắng lợi của ngành.
Hàng dệt may có mức tăng trưởng cao trong tháng 1. Ảnh: Đàm Duy |
Hiện thực hóa định hướng phát triển xuất khẩu (XK) theo chiều sâu, năm 2014, Tập đoàn DM Việt Nam tập trung sản xuất, XK những mặt hàng chất lượng cao, giảm sử dụng nguyên liệu nhập khẩu… thay vì mở rộng quy mô. Hiện, sản phẩm XK của tập đoàn giảm dần lượng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, tăng lượng sản phẩm tự thiết kế. Vì vậy số lượng sản phẩm làm ra tuy không nhiều, kim ngạch XK không tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng lại lớn hơn. Minh chứng rõ nhất cho điều đó là lợi nhuận trước thuế của Vinatex trong năm 2013 tăng tới 22% so với năm 2012. Việc tập trung phát triển XK về chất không chỉ giúp tập đoàn dịch chuyển lên một bước cao hơn trong chuỗi DM toàn cầu, mà còn giúp các DN thành viên tận dụng tốt hơn tài sản cố định đã đầu tư. Sự chủ động về nguồn nguyên phụ liệu của các DN cũng góp phần đáng kể vào giá trị gia tăng XK của tập đoàn. Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của Vinatex đã đạt 60%, cao hơn mức bình quân của toàn ngành. Đây là kết quả của nỗ lực đầu tư cho các dự án nguyên phụ liệu trong những năm vừa qua. Đặc biệt, riêng năm 2013, Vinatex đã triển khai tới 22 dự án nguyên phụ liệu trong tổng số 42 dự án đầu tư của toàn ngành. Thị trường DM thế giới trong năm qua không có nhiều khởi sắc, quy mô thị trường chỉ tăng 3,5%, tổng giá trị nhập khẩu hàng DM của các thị trường lớn, thị trường truyền thống của tập đoàn cũng tăng trưởng khá thấp như Mỹ (tăng 3%), EU (tăng 0,52%), thậm chí Nhật Bản giảm 0,54%... để đạt được mức tăng trưởng 12%, Vinatex đã phải rất nỗ lực. Một số DN thành viên đã vượt khó và đạt mức tăng trưởng XK ấn tượng như DM Hà Nội (tăng 99%), May 10 (tăng 89%), DM Nam Định (tăng 32%), DM Huế (tăng 25%), Tổng Công ty Phong Phú (tăng 24%), May Đức Giang (tăng 23%)...
Tăng trưởng về chất tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Vinatex trong năm 2014. Cụ thể, tập đoàn phấn đấu duy trì mức tăng trưởng XK 12%; tập trung nâng tỷ lệ làm hàng ODM (chủ động từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất thành phẩm) lên 12-14% so với mức 10% năm 2013. Riêng với hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), sẽ lựa chọn những đơn hàng mà Vinatex được quyền chọn mua nguyên liệu, không theo chỉ định của nhà nhập khẩu, nhằm đem lại giá trị gia tăng tối đa cho sản phẩm. Tập đoàn sẽ nhân rộng mô hình sản xuất tinh gọn đã được áp dụng thành công tại một số DN nhằm giảm tối đa tồn kho trên dây chuyền, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bên cạnh đó, với 57 dự án, năm 2014 được đánh giá sẽ là năm bùng nổ đầu tư của tập đoàn. Phần lớn các dự án sẽ tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu, trong đó có các dự án trọng điểm như: hai nhà máy sản xuất vải solid dyed (nhuộm vải mộc) công suất 40 triệu mét/năm; hai nhà máy sản xuất vải yarn dyed (vải nhuộm sợi rối dệt) công suất 12 triệu mét/năm; nhà máy vải len lông cừu công suất 6 triệu mét/năm… Đây là những bước quan trọng để tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và cũng là điều kiện cần thiết để đón đầu cơ hội khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương chính thức được ký kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.