(HNM) - Lần đầu tiên, sau hơn 67 năm kế thừa truyền thống của ngành bưu điện, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã mất vị trí số 1 trên thị trường khi kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) xếp sau đối thủ cạnh tranh trực tiếp,
Nhân viên VNPT hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ viễn thông. Ảnh: Minh Nguyễn |
Năm 2012, doanh thu của VNPT đạt 130.390 tỷ đồng, lợi nhuận 8.500 tỷ đồng. Tổng doanh thu tuy có tăng so với năm 2011, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 1.500 tỷ đồng so với năm cũ (năm 2011 lợi nhuận đạt 10.000 tỷ đồng). Vậy, đâu là nguyên nhân khiến VNPT giảm lợi nhuận? Tại hội nghị tổng kết ngành năm 2012 mới đây, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn, ông Phạm Long Trận cho rằng, những khó khăn từ nền kinh tế tác động đến hoạt động SXKD của các DN và VNPT không là ngoại lệ. Thêm nữa, do mô hình, mạng lưới của VNPT được xây dựng dựa trên cấu trúc mạng điện thoại cố định, nên khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng, DN, hoặc phải thắt chặt chi tiêu, hoặc làm ăn thua lỗ, bị phá sản đã khiến cho doanh thu từ dịch vụ này giảm, ảnh hưởng đến doanh thu của VNPT.
Ngoài kinh doanh, VNPT còn thực hiện các nhiệm vụ xã hội khác, như tham gia viễn thông công ích, phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin... trong khi VNPT lại chưa làm đề xuất để có chính sách bù vào những đầu tư này... Tuy nhiên, bên cạnh việc chỉ ra một số nguyên nhân, ông Phạm Long Trận cũng thẳng thắn nhận kết quả này là kém so với DN viễn thông khác và lỗi vẫn là tự thân khi VNPT vẫn mang những khiếm khuyết về mô hình bộ máy, kể cả phương pháp, thái độ phục vụ khách hàng chậm đổi mới ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả SXKD và lợi nhuận. VNPT đã mất vị trí số 1 vào tay Viettel. Kết thúc năm 2012, Viettel đã đạt doanh thu 140.058 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 24.479 tỷ đồng.
Trở lại câu chuyện về cuộc đua của hai tập đoàn kinh tế nhà nước duy nhất cùng kinh doanh một lĩnh vực là VNPT và Viettel. Từ cuối năm 2009, đầu năm 2010, các chuyên gia đã đặt ra vấn đề hai tập đoàn này đang có cuộc đua ngầm vị trí số 1. Thời điểm đó, Viettel liên tiếp đạt tăng trưởng doanh thu năm sau gấp đôi năm trước. Cụ thể là năm 2009, Viettel đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, VNPT 78.000 tỷ đồng và nếu giữ đà tăng trưởng này, năm 2010 Viettel sẽ vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng. Thực tế, năm 2010, cả hai tập đoàn đều đặt mục tiêu đạt 100.000 tỷ đồng, kết quả VNPT vượt con số này, còn Viettel thì đạt doanh thu thấp hơn ngưỡng trên. Năm 2011 cả hai đều đạt doanh thu cao (VNPT hơn 120.000 tỷ đồng, Viettel 117.000 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận thì có cách biệt rõ khi VNPT chỉ đạt 10.000 tỷ đồng, nhưng Viettel đạt 20.000 tỷ đồng. Kết quả SXKD năm 2012 như đã thấy, Viettel đã vượt VNPT.
Vậy, VNPT sẽ có giải pháp gì để lấy lại ngôi vương? Ông Phạm Long Trận cho rằng, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn, năm 2013 VNPT chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 10% so với năm 2012 và mức này nếu được cũng rất tốt. Bên cạnh đó, trong đề án tái cơ cấu tập đoàn mà VNPT báo cáo Bộ TT-TT để trình Chính phủ sẽ được thông qua và khi đó VNPT sẽ thực hiện theo mô hình SXKD mới có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.... Song, theo đại diện lãnh đạo Bộ TT-TT, liên quan đến đề án tái cơ cấu VNPT, do chưa có kết luận thanh tra từ tập đoàn này, nên Bộ chưa thể trình Chính phủ. Do vậy, VNPT chưa thể hoạt động theo mô hình mới, ngoại trừ việc tách hẳn mảng bưu chính hoạt động độc lập từ năm 2013. Rõ ràng, cuộc đua để VNPT trở lại ngôi vương từ tay Viettel sẽ không dễ dàng trong năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.