(HNNN) - Xuất bản cùng thời với Nam phong tạp chí, tạp chí Hữu thanh do cụ Ngô Đức Kế chủ trương, có sự cộng tác của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và các nhà khoa bảng khác.
Hữu thanh trong nhắc nhớ của văn thi sĩ
Khi tạp chí chưa ra, Hữu thanh dù ở Hà Nội nhưng đã có phần giới thiệu với độc giả trên báo đồng nghiệp tít tận... miền Tây Nam Bộ. Trên An Hà Nhựt Báo số 219 có bài giới thiệu về Hữu thanh tới 3 trang báo với những dòng mở đầu “Hữu thanh Kính cáo quốc dân, HỮU THANH, tạp chí chúng tôi, tên ấy tự trong thơ PHẠT MỘC, TIỂU NHÃ KINH THI gốc khỡi (khởi) tự trong hội BẮC KỲ CÔNG THƯƠNG ĐỒNG NGHIỆP”. Cái lý cho tên Hữu thanh là “để đề xướng cái tinh thần hữu ái trong quốc dân. Cho nên tạp chí chúng tôi tên gọi Hữu thanh”.
Bài giới thiệu cũng đề cập tới nội dung của tạp chí sẽ tập trung vào các vấn đề là luân lý, học thuật, kinh tế và thực nghiệp vì “Luân lý không giảng minh thời gia đình bại hoại mà xã hội phân ly; học thuật không khích dương thời sĩ phu khí suy mà bình dân chí đoản; Kinh tế thực nghiệp không chấn hưng thời dân sinh khốn nạn (khốn nạn ở đây là “cùng khổ hèn mạt” theo nghĩa dạo đó) mà phàm việc khó mở mang”. Thể tài của tạp chí xoay quanh văn thơ, luận bình, dịch thuật, tiểu thuyết, biên chép việc hội. Mỗi số sẽ có 60 trang, ra mỗi tháng 2 kỳ, tòa soạn đề ở 53 Rue des Ferblantiers, nay là phố Hàng Thiếc, Hà Nội.
Trong cuốn “Thú chơi sách”, Vương Hồng Sển cho hay tạp chí Hữu thanh viết và tiêu thụ đều không bằng Nam phong tạp chí. Mà giữa hai tờ có quan hệ với nhau lắm, đó là cuộc bút chiến giữa hai tay bút họ Ngô (Ngô Đức Kế) bên Hữu thanh và họ Phạm (Phạm Quỳnh) bên Nam phong. Khơi mào là cụ Ngô Đức Kế. Phong trào tán dương Kiều, “sùng bái Kiều”, hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm” của Đào Duy Anh nói về nguồn cơn là bởi Nam phong tạp chí mà ra. Và dĩ nhiên là có gây nên cuộc tranh luận, đả kích từ những nhà văn hóa dạo ấy. Trên tạp chí Hữu thanh, Ngô Đức Kế đã viết bài “Chính học và tà thuyết” đả kích Nam phong tạp chí. Bài này được đăng trên Hữu thanh số 21, ra ngày 1-9-1924.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan lại có ấn tượng khác về tạp chí Hữu thanh trong hồi ức “Nhớ gì ghi nấy”. Với ông, đây là tạp chí năm 1921 hoặc 1922 đã đăng vở kịch “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long. “Chén thuốc độc” chính là vở kịch viết thuần Việt Nam, và Vũ Đình Long, ông chủ của Tân Dân thư quán, Nhà xuất bản Tân Dân, là người mở đầu cho việc sáng tác kịch thuần Việt. Kịch “Chén thuốc độc” được giới thiệu là “Hí kịch lối mới chia làm ba hồi” và “Diễn lần thứ nhất tại Rạp hát Tây lớn Hanoi, ngày 22 Octobre 1921”. Vở kịch này sau được Công ty Vĩnh Thành in ấn. Vẫn lời Nguyễn Công Hoan, được ghi lại trong “Đời viết văn của tôi”, thì Hữu thanh đăng tiểu thuyết và kịch sáng tác.
Dấu ấn Tản Đà
Đối với Tản Đà, thời gian làm Hữu thanh để lại trong ông nhiều tâm sự mà thỉnh thoảng nhà thơ của “Thề non nước” lại có dịp nhắc nhớ. Theo lời tâm sự của Tản Đà trong “Tản Đà xuân sắc”, với tạp chí Hữu thanh, ông đứng ở cương vị chủ bút. Đây là tờ báo đầu tiên nhà thơ “Giấc mộng con” bước chân vào làng báo. Ngày ra số Hữu thanh đầu tiên, Tản Đà nhớ là ngày 1-8-1921. Trong “Giấc mộng lớn”, Tản Đà còn nhớ vào năm 1921, lúc ấy đương tuổi 33, ông làm chủ bút của Hữu thanh. Tạp chí này được sáng lập bởi hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp ái hữu cùng công lao to lớn của Hội trưởng Nguyễn Huy Lợi. Báo lấy “hữu ái làm chủ nghĩa”, như Nguyễn Khắc Hiếu nhớ lại trong bài “Báo Hữu thanh, tình hữu ái” đăng trên An Nam tạp chí số 3, ra ngày 1-8-1926.
Trong Hữu thanh số 1, bài “Kính cáo quốc dân” có viết: “... Làm cho cái chủ nghĩa hữu ái láng lai giàn giụa trong bể cảm tình của quốc dân, như thể nước sông Nhĩ hà, sông Mã giang, sông Cửu long về khoảng tháng năm, tháng sáu, tháng bảy; giục cho các công việc tấn tới đua chen trên con đường tiến hóa của thế giới, như sức xe hơi đi khoảng đường từ Hanoi vào Huế, Huế vào Saigon, mở đến cữ sáu mươi, bảy mươi, tám mươi”. Số đầu còn đăng 2 bài thơ của vị chủ bút, trong đó có bài: “Tạp chí ra đời gọi “Hữu thanh”/ Chim tìm tiếng bạn mượn đề danh/ Dám đâu sườn núi kêu con phượng/ Âu cũng trên cành học cái oanh/ Nam Bắc hỡi ai đường tiến hóa!/ Đông Tây nào những sách văn minh?/ Hai mươi nhăm triệu đồng thanh cả/ “Hữu ái” mong ai một chút tình”.
Đứng chân chủ bút 6 tháng “rất là vô công trạng”, nhà thơ “núi Tản sông Đà” từ chức và làm “Từ việc” với 4 câu thơ từ biệt đăng trên Hữu thanh số 12, ra ngày 15-1-1922, rằng: “Mới nửa năm giời báo Hữu thanh/ Biệt ly lai láng xiết bao tình!/ Chút tình hữu ái không ly biệt/ Tiếng gọi đàn xa núi Tản xanh”.
Về nguyên nhân rời tạp chí Hữu thanh của ông chủ bút “núi Tản sông Đà”, người cháu Nguyễn Văn Phúc trong ký ức “Tôi với Tản Đà” đoán là do “chắc vì không cùng quan niệm với người chủ nhiệm”. Còn theo “Đời viết văn của tôi”, Nguyễn Công Hoan cho hay Tản Đà rất bất mãn vì dù đứng chân chủ bút nhưng ông không được toàn quyền quyết định bài vở, mà nắm tòa soạn chính là Nguyễn Mạnh Bổng cùng bạn bè. Tản Đà lại là em rể của Mạnh Bổng. Tổng kết về đời tạp chí Hữu thanh, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tiếp lời tâm sự, tạp chí ra đời số đầu ngày 1-8-1921, đình bản tháng 9-1924, in được hơn 60 số. Chủ nhiệm tạp chí là Nguyễn Huy Hợi, sau là Nguyễn Duy Nho. Chủ bút là Nguyễn Khắc Hiếu, sau là Ngô Đức Kế. Liên quan đến sự ra đời tạp chí này, Nguyễn Công Hoan ghi trong “Đời viết văn của tôi” có cho biết do ông Nguyễn Huy Hợi, vốn làm nghề thu tiền hàng cho hãng buôn Pháp Godard, là Hội trưởng của Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp ái hữu đã theo lời Nguyễn Mạnh Bổng là lập Hữu thanh và mời Tản Đà ra làm Chủ bút.
Cụ Ngô Đức Kế không chỉ là tác giả của bộ sách “Đông Tây vỹ nhân”, mà còn được nhớ tới với tờ Hữu thanh. Trong Bản tuyên bố gửi cho chính phủ Pháp của các đại biểu tổ chức “An Nam độc lập” ở Paris năm 1927, thành phần Ủy ban triệt hồi, những cái tên người Việt Nam tiêu biểu mang tính chất đại diện được đề nghị có tên cụ Kế với nội dung “Ngô Đức Kế (Trung Kỳ), danh nho, cựu chính trị phạm, đã bị đi đày, chủ nhiệm tạp chí Hữu thanh trước kia”, theo hồi ký “Đảng Thanh niên” của Trần Huy Liệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.