(HNM) - Gần đây, nước ta đã tích cực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đạt được nhiều kết quả nhất định. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp từ Việt Nam gia nhập “đoàn tàu khởi nghiệp” của thế giới; không khí, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ trên mọi miền Tổ quốc.
Các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng sôi động. Gần đây nhất, cuối tháng 11 vừa qua, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết rót 815 triệu USD cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) và số tiền này sẽ được 33 quỹ đầu tư giải ngân trong giai đoạn 2021-2025.
Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng cộng đồng startup hiện nay khi số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiệu quả vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ngay với Hà Nội, địa phương mỗi năm có số doanh nghiệp thành lập lớn, song cũng chỉ có khoảng 0,1% số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo gọi được vốn từ các quỹ đầu tư.
Có nhiều nguyên nhân khiến kết quả trên còn hạn chế, song nổi lên là thủ tục hành chính còn rườm rà; cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ, chưa đủ kỹ năng cũng như thực lực để vượt qua các trở ngại; doanh nghiệp lớn chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các startup trong nước...
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, nhưng nếu vượt qua khó khăn, thách thức sẽ đem lại những giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, để tạo nền tảng bền vững, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh là mục tiêu không chỉ trước mắt mà cả lâu dài, trong đó đòi hỏi sự cộng tác bền chặt của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, Chính phủ và những nhà đầu tư mạo hiểm. Trong hệ sinh thái này, cần đặc biệt chú trọng mối liên hệ giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp khởi nghiệp bởi có vai trò thúc đẩy nhau cùng phát triển. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách làm cho môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, cho cộng đồng startup và các quỹ đầu tư nói riêng hoạt động hiệu quả hơn.
Hơn nữa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta hiện còn thiếu tính bền vững bởi yếu tố đổi mới sáng tạo chưa thực sự phát triển. Do đó, các cấp, các ngành cần có chính sách thu hút nhân tài, đầu tư cho giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bản thân các trường đại học, viện nghiên cứu cũng cần thấy rõ vai trò tiên phong trong thực hiện sứ mệnh đổi mới, sáng tạo và cần đưa nội dung khởi nghiệp vào hệ thống giáo dục ngay từ cấp phổ thông để sớm hình thành tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ.
Cũng xuất phát từ đặc thù của startup là tỷ lệ thất bại lớn, nên cấp thẩm quyền cần xây dựng hành lang pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và khơi thông dòng vốn này vào các startup... Ngược lại, các startup phải chủ động, tự tin, có sự thích ứng linh hoạt, phát triển sản phẩm theo hướng thiết thực, dựa vào nhu cầu thị trường để đi lên... Số liệu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 (diễn ra ngày 25-11, tại Hà Nội) cho thấy, năm nay, số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết đầu tư tăng gấp rưỡi với số tiền cam kết tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Cơ hội đang mở ra rất lớn và một khi tận dụng tốt những cơ hội này, các startup Việt hoàn toàn có thể tạo ra những xung lực mới, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.