(HNM) - Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày chiến thắng trận đánh Khalkhin Gol của Liên Xô - Mông Cổ trước quân đội Nhật Bản năm nay được đánh dấu bằng sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm quốc gia Trung Á.
Tuy chỉ diễn ra chưa đầy 24 tiếng, nhưng chuyến thăm lần thứ ba của ông V.Putin đến nước này - kể từ khi trở thành Tổng thống Nga nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2000 đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng trên nhiều lĩnh vực.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Tsakhiagiin Elbegdorj. |
Với 15 thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết, chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống V.Putin được đánh giá thành công hơn mong đợi. Trong đó, đáng chú ý là việc hai nước ký kết nghị định thư về hỗ trợ kỹ thuật - quân sự cho Mông Cổ, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tư pháp, biên bản ghi nhớ về phát triển hợp tác kinh tế - thương mại và nhiều văn kiện thuộc các lĩnh vực khác… Một nội dung quan trọng được Tổng thống nước chủ nhà Tsakhiagiin Elbegdorj bàn thảo với Tổng thống V.Putin trong cuộc hội đàm là đề nghị Mátxcơva bãi bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mông Cổ. Đây được xem là một trong những giải pháp để tăng kim ngạch trao đổi thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Các bộ, ngành liên quan của Nga sẽ xúc tiến soạn thảo "lộ trình" để mở rộng hợp tác đa phương bao gồm thành lập các cơ sở sản xuất mới, kích thích thương mại và đầu tư song phương cũng như mở rộng các cuộc tiếp xúc…
Chuyến thăm chớp nhoáng tới Mông Cổ của Tổng thống V.Putin diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Nga với Ukraine tiếp tục leo thang và diễn ra chưa đầy nửa tháng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Mông Cổ, với việc hai nước ký Tuyên bố chung nâng tầm quan hệ song phương lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Mông Cổ cũng đã đồng ý nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Trong bối cảnh Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Ulan Bator trong một thập kỷ qua, Nga cần có những động thái để mở rộng ảnh hưởng đối với đối tác truyền thống của mình.
Thời gian qua, Nga và Trung Quốc có xu hướng xích lại gần nhau hơn giữa lúc đất nước rộng lớn nhất thế giới đang là đối tượng của một loạt lệnh trừng phạt Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tuy nhiên, điều này vẫn không thể khiến Nga thiếu "cảnh giác" trước những tham vọng của quốc gia đang trỗi dậy này. Giới phân tích cho rằng, Mátxcơva đã khôn ngoan khi tăng cường quan hệ với Mông Cổ - quốc gia nằm giữa Nga và Trung Quốc - bởi đây được xem là một "vùng đệm" an toàn cho nước Nga. Điều này cũng phù hợp với mong muốn của Mông Cổ trong nỗ lực đa dạng hóa quan hệ kinh tế, chính trị, tránh phụ thuộc vào bất kỳ một nước lớn nào. Do đó, sự lựa chọn tốt nhất là tăng cường sự liên kết với Nga song song với việc mở rộng hợp tác với các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Dù chỉ với diện tích 1,565 triệu kilômét vuông và gần 3 triệu dân, nhưng Mông Cổ lại có vị trí địa chiến lược quan trọng. Sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Nga - Mông Cổ đã có thời gian trầm lắng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, đặc biệt sau khi Mông Cổ mở rộng nền kinh tế thị trường, quan hệ hai nước đã không ngừng phát triển trên các lĩnh vực. Trong chuyến thăm chính thức Mông Cổ năm 2009 của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hai nước đã ký tuyên bố nâng cấp quan hệ Đối tác truyền thống láng giềng lên thành quan hệ Đối tác chiến lược.
Động thái này được xem là tiêu chí quan trọng để Nga đạt được những tiến triển ngoại giao đối với Mông Cổ. Tiếp nối những thỏa thuận vừa được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống V.Putin, Nga có thể thông qua việc hợp tác kinh tế để củng cố vai trò của mình ở quốc gia Trung Á này. Ngược lại, thông qua các dự án hợp tác cũng như khai thác tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng với Nga, Mông Cổ sẽ có thêm nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.