(HNMO) - Thực hiện chủ trương của Đảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn, trong những năm gần đây bộ mặt nông thôn nước ta đã có những đổi thay lớn, đời sống của người nông dân ở mọi địa phương trên cả nước đã được nâng cao không ngừng cả về vật chất, văn hóa và tinh thần.
Qua tìm hiểu thực tế của nhiều vùng nông thôn tại các địa phương trên cả nước như Thái Thụy, Vũ Thư (Thái BìnhƯ, Khoái Châu (Hưng Yên), Cẩm Giàng (Hải Dương), Tam Dương, Lập Thạch, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Sóc Sơn, Mê Linh, Chương Mỹ, Thanh Oai (Hà Nội), Lương Tài, Gia Bình (Bắc Ninh), Đô Lương, Quỳnh Lưu (Nghệ An), Hướng Hóa (Quảng Trị), Điện Bàn (Quảng Nam), Đông Nam Bộ, Tây Nguyên....có thể nhận thấy một số nhân tố đã và đang tác động mạnh đến khả năng giải quyết việc làm của lao động nông thôn.
Từ bao đời, người nông dân Việt Nam quen với lối sống thuần nông gắn với những sản phẩm độc canh và kỹ thuật canh tác lạc hậu, nên đại bộ phận lao động nông thôn chỉ thạo duy nhất nghề nông, không có hoặc có rất ít sự hiểu biết về các lĩnh vực kinh doanh phi nông nghiệp. Điều này đã làm hạn chế tính chủ động, dám nghĩ dám làm của người nông dân trong việc tìm nghề mới, nhất là các nghề phi nông nghiệp. Trong khi đó, khu vực nông thôn nước ta, nếu thuộc vùng đồng bằng, trung du thì hầu hết đều ở vào tình trạng “đất chật, người đông”, diện tích đất canh tác tính theo đầu người rất thấp. Còn vùng miền núi thì điều kiện giao thông khó khăn, đất đai khô cằn, độ dốc cao, thiếu nước cho sản xuất;... Với điều kiện tự nhiên như vậy, khó tránh khỏi tình trạng lao động nông thôn không đủ việc làm, nhất là trong ngành trồng trọt. Thời kỳ “nông nhàn” trong năm rất dài, có vùng chiếm khoảng !/2 thời gian trong năm. Theo kết quả khảo sát tại tại một loạt các hộ gia đình nông dân ở một số địa phương cho thấy: ở Vĩnh Tường, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thời kỳ nông nhàn chiếm gần 60%, ở Chương Mỹ (Hà Nội) chiếm 52%, ở Sóc Sơn (Hà Nội) chiếm 55,4%, Đô Lương (Nghệ An) chiếm 51,7%, Hướng Hóa (Quảng Trị) chiếm 62% ...
Một nguyên nhân rất quan trọng làm cho tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn đang ngày càng trở nên trầm trọng là do tác động của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Quá trình này, một mặt tạo ra thêm những việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, nhưng mặt khác, do yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực khắt khe, nên lao động phổ thông không qua đào tạo khó tìm kiếm được cơ hội việc làm. Hơn nữa, việc dần thay thế các thiết bị lạc hậu bằng các thiết bị kỹ thuật công nghệ cao làm cho nhu cầu lao động (về số lượng) trong khu vực này ngày càng giảm, khiến cho việc dôi dư lao động trên địa bàn nông thôn càng có khả năng gia tăng.
Quá trình đô thị hóa cùng sự phát triển khá nhanh các khu – cụm khu công nghiệp tại nhiều vùng nông thôn đã khiến cho nhiều gia đình nông dân mất đất, mất ruộng khi quỹ đất được dùng phục vụ cho chủ trương này. Trong khi đó, phần lớn các gia đình nông dân sử dụng tiền đền bù phục vụ cho những nhu cầu trước mắt (như: xây dựng cơ bản phục vụ cho đời sống gia đình, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thậm chí sa đà vào các tệ nạn xã hội...) mà không biến nguồn tiền đó thành vốn đầu tư lâu dài cho sản xuất, kinh doanh, để tăng cường việc làm, tăng thu nhập đảm bảo đời sống ổn định lâu dài. Do đó vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh không những không gia tăng mà còn có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng, thậm chí không còn vốn để đầu tư khiến cho không ít gia đình phải tha phương kiếm kế sinh nhai. Hậu quả là tình trạng lao động nông thôn bị mất việc làm, thiếu việc làm đã trở nên khá phổ biến.
Tác động của những nhân tố cơ bản nêu trên đã khiến cho tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm cho lao động trở thành vấn đề nổi cộm tại các vùng nông nghiệp, nông thôn nước ta. Nếu không được giải quyết kịp thời, rất có thể từ đây sẽ làm nảy sinh mất ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn đang chiếm tới hơn 70% dân số cả nước này. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cường cơ hội việc làm cho lao động nông thôn đang được xem là vấn đề bức xúc cần nhanh chóng giải quyết.
Xin trao đổi một số giải pháp xung quanh vấn đề này như sau:
1. Trước hết cần triển khai nghiêm túc, bài bản chiến lược dân số cho địa bàn nông thôn, bằng việc thực hiện chính sách dân số phù hợp nhằm làm giảm tốc độ gia tăng tự nhiên của dân số tại đây, từ đó sẽ làm giảm dần sức ép về thiếu việc làm cho lao động nông thôn. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc thật nghiêm túc, có trách nhiệm của chính quyền cùng các tổ chức, đoàn thể. Trước tiên, đội ngũ lãnh đạo địa phương phải thực sự gương mẫu, vì qua khảo sát thực tế tại một số địa phương trong cả nước cho thấy, nhiều cán bộ xã, cán bộ huyện, thậm chí cả cán bộ tỉnh không gương mẫu trong việc thực hiện các quy định trong công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.
2. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nói chung, đặc biệt là lao động trẻ, lao động phụ nữ tại các địa phương dưới các hình thức như: mở các lớp đào tạo nghề tại chỗ cho lao động địa phương, chính quyền cần chủ động liên hệ để gửi lao động trẻ của địa phương tham gia các lớp, các khóa đào tạo ngắn hạn tại những cơ sở đào tạo nghề chuyên nghiệp, cung cấp nguồn lao động có tay nghề chuyên môn đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, hoặc cung cấp lao động cho xuất khẩu lao động, tăng thêm cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài ra, cần tích cực khôi phục và phát triển mạnh các làng nghề truyền thống. Muốn vậy, cần khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện cho các bậc nghệ nhân và các lao động lâu năm, có kinh nghiệm, giỏi nghề tình nguyện, nhiệt tình truyền nghề cho các thế hệ lao động trẻ.
3. Tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển nhanh các vùng chuyên canh quy mô lớn trên cơ sở khai thác những lợi thế vốn có. Tăng cường tạo những ngành nghề mới cho các vùng nông thôn như trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, trồng rau sạch tại các vùng ven các đô thị lớn; nuôi các loại vật có giá trị kinh tế cao như: ba ba, ếch, tôm, cá sấu, bò sữa, gà siêu thịt, vịt siêu trứng.....với mô hình kinh doanh quy mô lớn, hiệu quả cao, nhằm tăng cường thu hút việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.
4. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở tăng cường áp dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp (như mô hình kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng...). Từ đó nâng cao nhanh chóng hiệu quả sản xuất kinh doanh, không ngừng mở rộng quy mô, tăng cường thu hút lao động địa phương đang thiếu việc làm.
5. Khuyến khích các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động người địa phương vào làm việc – đặc biệt là các gia đình bị mất đất do quá trình đô thị hóa và do việc hình thành những khu - cụm khu công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn.
Để giải quyết có hiệu quả vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực, kịp thời, tự giác và sự phối hợp hoạt động thường xuyên giữa các tổ chức Đảng, các đoàn thể với các cấp chính quyền địa phương , nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.