Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo thuận lợi cho người dân

Minh Thúy - Duy Biên| 13/02/2014 07:20

(HNM) - Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Điểm nổi bật và được nhiều người quan tâm là nội dung cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ


Anh Vũ Đình Hoàng (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân):Quy định nhằm tạo điều kiện cho người dân



Có thể nói nội dung dự thảo quy định cho phép người vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông được nộp phạt tại chỗ là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đây không phải là quy định hoàn toàn mới vì việc này vẫn được lực lượng công an thực hiện trước đây với những lỗi đơn giản và mức tiền phạt thấp. Mục đích của việc bắt lỗi, nộp phạt là để giáo dục, răn đe, phòng ngừa nên với những lỗi đơn giản thì việc tạm giữ phương tiện hay bắt họ phải đến kho bạc thực hiện các thủ tục hành chính là không cần thiết. Quy định này hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và là định hướng đúng. Tuy nhiên, với thực trạng một bộ phận cảnh sát giao thông cố tình không thực hiện đúng quy định nhằm tư lợi cá nhân đã gây ra những e ngại cho nhiều người khi tiếp nhận quy định này. Đây là suy nghĩ có cơ sở, do đó đòi hỏi Bộ Công an cần có biện pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh, khắc phục triệt để những tồn tại.

Anh Trần Xuân Long (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông):Phải có cơ chế giám sát người thi hành công vụ



Theo tôi, mục đích chính của quy định này nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân khi đi nộp phạt và chắc chắn quy định này sẽ được nhiều người hưởng ứng. Điều đáng bàn là cần minh bạch với hành vi gì, lỗi đến mức độ nào thì được phạt tại chỗ và cơ chế giám sát những người thi hành công vụ ra sao. Rất khó có thể bảo đảm là không có sự thông đồng giữa người vi phạm với người thực thi nhiệm vụ khi từ mức phạt cao được "dìm" xuống mức phạt tối thiểu và tiền "lót tay" cho cảnh sát giao thông vẫn diễn ra… Nhưng nếu không có quy định này thì tiêu cực vẫn có thể xảy ra, do vậy lựa chọn giảm phiền hà cho người nộp phạt là điều thiết thực, có ý nghĩa với xã hội. Vấn đề đặt ra là lực lượng công an cần có cơ chế quản lý và giám sát chặt chẽ, hiệu quả để hạn chế thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra trên thực tế.

Anh Vũ Đắc (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh):Hạn chế được việc tạm giữ phương tiện vi phạm



Tôi cho rằng, việc cho phép người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông được nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định thông qua hóa đơn, biên lai là hợp lý. Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn, việc tạm giữ phương tiện chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết và thời hạn tạm giữ là 7 ngày, có thể kéo dài khi vụ việc phức tạp, cần xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày. Thực tế, nhiều trường hợp vi phạm cơ quan chức năng phải giữ giấy tờ, lưu xe kho bãi thì sau một thời gian, số tiền người vi phạm phải trả cho việc trông giữ xe quá lớn, đồng thời phương tiện lưu giữ lâu ngày không được bảo quản rất dễ bị xuống cấp, hư hỏng. Hơn nữa, các bãi trông giữ phương tiện vi phạm hiện tại ở Hà Nội đang bị quá tải, hầu hết không có mái che. Trong khi đó, phương tiện bị tạm giữ có giá trị không cao, thậm chí số tiền phải trả cao hơn cả giá trị của phương tiện nên người vi phạm đành bỏ phương tiện, gây lãng phí rất lớn. Vì vậy, nếu dự thảo trên được thông qua sẽ không gây áp lực cho các cơ sở trông giữ xe, vừa giúp người dân có thể tự bảo quản, sử dụng được tài sản của mình.

Anh Hoàng Giang (phố Trần Quang Diệu, quận Đống Đa):Người vi phạm được nộp phạt tại chỗ là việc làm cần thiết



Nghiên cứu qua dự thảo tôi thấy, mục đích đưa ra nhằm giải quyết bất cập trong khâu thi hành quyết định phạt tiền của người vi phạm giao thông. Hiện nay, khi người vi phạm phải đi lại nhiều, vừa phải tới cơ quan công an để lấy quyết định xử phạt, rồi lại phải đến Kho bạc Nhà nước để nộp tiền phạt, sau đó lại mang biên lai nộp tiền phạt đó quay về nộp cho cơ quan công an để lấy giấy tờ, phương tiện bị tạm giữ. Thông thường, sau khi nộp phạt 5-7 ngày, người vi phạm mới đến trụ sở đội CSGT hoặc cơ quan ra quyết định xử phạt để lấy lịch hẹn trả giấy tờ, nhưng nhiều khi tới đây không gặp được người có trách nhiệm để giải quyết. Điều này tác động không nhỏ tới tâm lý của nhiều người điều khiển phương tiện, nhất là khi phải đi lại nhiều lần… Vì vậy, cho phép người vi phạm nộp phạt tại chỗ là cần thiết, tránh mất thời gian cho người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo thuận lợi cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.