Chiều 4-7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, đã hoàn thành chương trình đề ra sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao.
Kết luận hội nghị, UV BCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã phân tích, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cần quan tâm, nhất là những giải pháp cơ bản triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) vào cuộc sống. Về Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận, về đại đoàn kết dân tộc; thường xuyên chỉnh đốn, xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước phải vì dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Công tác tuyên truyền cần được tăng cường, kịp thời phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân. Đặc biệt, phải kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước; tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng… Về Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cần nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị, coi chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là vấn đề có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của đất nước…
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ: Cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất tư tưởng, chính trị vững vàng; đạo đức, lối sống lành mạnh; có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải phù hợp, đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế; thống nhất giữa các tổ chức trong toàn hệ thống, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Kiện toàn tổ chức bộ máy phải đi đôi với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; gắn liền với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Không nhất thiết ở Trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương cũng có tổ chức đó. Đối với những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã đủ rõ, chín muồi thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa đủ rõ, còn có ý kiến khác nhau cần chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tổng kết để làm rõ, có bước đi thích hợp.
Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo, định hướng các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và Quốc hội để hoàn thiện bản dự thảo. Các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến hợp lý của nhân dân để góp phần hoàn thiện bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong quá trình hoàn thiện bản dự thảo Hiến pháp, cần bám sát quan điểm, định hướng của Đảng được thể hiện trong Cương lĩnh, các văn kiện của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, về những quan điểm cơ bản, định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là đối với những vấn đề cơ bản, mang tính nguyên tắc, liên quan đến bản chất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bộ máy nhà nước, an ninh, quốc phòng…
Đề cập một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, cần tiếp tục quán triệt và kiên trì thực hiện các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và định hướng về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đã ghi trong các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương. Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức trong Đảng, trong xã hội và có quyết tâm chính trị cao trong việc ban hành và thực hiện chính sách, nhất là việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương của khu vực sự nghiệp công lập phù hợp với kinh tế thị trường.
Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" với những bước đi vững chắc để tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới. Về Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, đây là lần đầu tiên Trung ương tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, do vậy sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.
Với cương vị và trách nhiệm của mình, ngay sau hội nghị này, các đại biểu tham dự Hội nghị cần tích cực phổ biến, quán triệt các nội dung các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 7 tới đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 7, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.