Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo thói quen phân loại rác tại nguồn

Hà Phong| 05/09/2020 07:24

(HNM) - Trong bối cảnh chất lượng môi trường nhiều nơi xuống cấp vượt ngưỡng cho phép, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng nhận được sự quan tâm của nhiều người dân, đại biểu Quốc hội. Trong đó, rất nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, tạo thói quen cho cơ chế phân loại rác tại nguồn.

Điểm thu đổi rác tái chế tại số 8 Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hòa Phạm.

Nội dung dự thảo mới nhất của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản (hữu cơ, vô cơ và có thể tái chế). Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dựa trên khối lượng, chủng loại.

Đánh giá về đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng và nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, đây là quy định tiến bộ, bảo đảm công bằng trong việc chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng như hiện nay.

Thực tiễn hoạt động của Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) cho thấy, công suất khu xử lý chỉ khoảng 700 tấn/ngày đêm nhưng bãi rác này hiện phải tiếp nhận và xử lý hơn 1.000 tấn mỗi ngày. Phương pháp chủ yếu vẫn là chôn lấp thủ công, lạc hậu. Nguyên nhân chính là rác không được phân loại từ nguồn nên khó khăn trong xử lý, ảnh hưởng lớn tới môi trường.

Ủng hộ phương án phân loại rác, tính phí theo khối lượng, bà Nguyễn Thị Thuận (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) cho rằng, đây là quy định có ý nghĩa thiết thực, giúp xã hội ngày càng văn minh. “Những cá nhân và tập thể chưa thực hiện phân loại rác tại nhà thì có thể xử phạt và nâng phí dịch vụ của họ lên”, bà Nguyễn Thị Thuận đề xuất.

Anh Nguyễn Chí Kiên (ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ) cũng nêu quan điểm, dự thảo Luật đề xuất tính rác theo khối lượng có nghĩa là phát sinh ít chất thải sẽ phải trả ít tiền hơn. Việc này sẽ khuyến khích người dân tự xử lý rác có khả năng phân hủy cho việc trồng trọt; giúp giảm thiểu lượng chất thải phát sinh.

Để triển khai thành công, dự thảo Luật đưa ra quy định về sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ dân phố, cộng đồng dân cư trong việc thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại một số địa phương, điển hình là tỉnh Đồng Nai cho thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn cần thực hiện bền bỉ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, nếu đặt lộ trình đến năm 2025 triển khai Luật thì phải thực hiện việc tuyên truyền ngay từ bây giờ, trước hết là tuyên truyền nâng cao nhận thức và bắt đầu từ thế hệ trẻ. “Các cháu nhỏ được tập thói quen, có nhận thức thì khi lớn lên sẽ tạo được nền nếp”, đồng chí Phan Thanh Bình nói.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm, việc phân loại rác thành công hay không còn phụ thuộc vào hạ tầng của địa phương. Nếu chỉ giải quyết được việc phân loại rác từ nguồn, sau đó không có nơi thu gom hoặc nơi xử lý đồng bộ với việc phân loại thì sẽ không hiệu quả. Nếu trang bị được 3 thùng thu gom rác, lịch thu gom cũng phải được xác định rõ thì người dân mới dễ dàng thực hiện... Đồng bộ từ phân loại, thu gom và xử lý mới là cơ sở để đạt mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái một cách bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo thói quen phân loại rác tại nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.