Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo thêm thương hiệu Việt

Quỳnh Anh| 15/12/2021 06:01

(HNM) - Tết Nguyên đán được xem là cao điểm tiêu thụ bánh kẹo trong năm, với sức mua tăng mạnh. Đây cũng là “miếng bánh ngọt” tạo ra cuộc cạnh tranh sôi động trên thị trường của các doanh nghiệp ngành bánh kẹo.

Thời điểm này, các doanh nghiệp ngành bánh kẹo đang nỗ lực sản xuất để cung ứng hàng hóa ra thị trường phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết. Tín hiệu đáng mừng với người tiêu dùng là dù dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5%-12% nhưng các doanh nghiệp vẫn cơ bản giữ nguyên giá bán bánh, mứt, kẹo như năm trước.

Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ để có những sản phẩm mẫu mã tốt, chất lượng cao; nghiên cứu kỹ xu hướng, thị hiếu của thị trường để cải tiến bao bì theo hướng hiện đại, sang trọng phù hợp với nhu cầu làm quà biếu trong dịp Tết. Vì thế, các sản phẩm bánh kẹo được đưa ra thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 có mẫu mã đẹp không thua kém hàng ngoại, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện các sản phẩm bánh kẹo của các doanh nghiệp lớn trong nước chiếm tỷ lệ áp đảo so với hàng ngoại nhập cả về mẫu mã và số lượng. Song, để tiếp tục giữ vững được thị phần, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, cần chú trọng đầu tư công nghệ máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó là đẩy mạnh quảng bá, trưng bày sản phẩm; phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa một cách linh động và đa dạng các hình thức giao hàng, phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng...

Khác với trước kia, bánh kẹo là thứ quà chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt, thì nay đã trở thành thực phẩm thiết yếu hằng ngày đối với các gia đình. Vì thế, về lâu dài, các doanh nghiệp bánh kẹo cần nghiên cứu kỹ thị trường để phát huy phân khúc mình đang có lợi thế, từ đó có những bước đi đúng đắn, năng cao năng lực cạnh tranh... Kinh nghiệm từ Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà cho thấy, nhờ tận dụng lợi thế am hiểu văn hóa, sở thích ẩm thực của người tiêu dùng trong nước nên doanh nghiệp này có các sản phẩm “giữ chân” được khách hàng trước sức ép của các sản phẩm ngoại nhập.

Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, phân phối và cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bánh kẹo. Để giúp các doanh nghiệp giữ vững được thị phần bánh kẹo trong nước, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương là rất cần thiết. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm để bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp bánh kẹo làm ăn chân chính. Bên cạnh đó cần có những giải pháp để nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất bánh, kẹo, mứt không tăng giá đột ngột, giúp doanh nghiệp ổn định giá cả hàng hóa; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, kích cầu thị trường, kích cầu sản xuất; đẩy mạnh các phương án hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm trong tình hình mới...

Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự đồng hành của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tin tưởng rằng bánh, kẹo, mứt của Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường Tết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo thêm thương hiệu Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.