(HNM) - Tiền thân của Công ty Nhựa Hà Nội là Xí nghiệp Nhựa Lợi Thành được thành lập năm 1959, chuyên sản xuất các mặt hàng gia dụng bằng nhựa. Sau nhiều lần
Tìm lợi thế cạnh tranh
Sản xuất nhựa gặp nhiều khó khăn, nhất là khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Mỗi khi giá dầu thô bất ổn thường kéo theo giá nguyên liệu PVC, có thời điểm giá nguyên liệu PVC tăng 100%, trong khi giá bán sản phẩm nhựa không thể tăng tương ứng. Trước những khó khăn đó, HPC đã chọn cho mình lối đi riêng phù hợp với năng lực. Từ năm 2005, Công ty liên tục đầu tư chiều sâu, qua từng năm bổ sung, thay thế dần các trang thiết bị cũ bằng máy móc hiện đại. Để chủ động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, HPC còn đầu tư trạm biến áp, thiết bị nâng chuyển, mở rộng nhà xưởng tại chỗ và xây dựng mới với diện tích 7.000m2 tại Hưng Yên. Nhờ vậy, năng lực sản xuất tăng lên nhiều lần, cụ thể giá trị sản xuất công nghiệp đạt 73,09 tỷ đồng (năm 2005), đã lên đến 260,5 tỷ đồng (năm 2009) và 6 tháng đầu năm 2010 đạt 172,4 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. HPC đã chọn thời điểm thích hợp để tái cấu trúc lại hệ thống nhân sự, do đó vào những năm nền kinh tế khó khăn nhất, Công ty vẫn bảo đảm cho người lao động có đủ việc làm, thu nhập ổn định và ngày càng tăng: năm 2005 thu nhập bình quân của người lao động đạt 1,81 triệu đồng/tháng, năm 2009 đạt 3,81 triệu đồng/tháng. Kết quả SXKD trên cho thấy, HPC đã chủ động và cạnh tranh được trong sản xuất nhựa.
Sản xuất theo mô hình chuyên môn hóa
Với mục tiêu phát triển bền vững, HPC đã duy trì áp dụng hình thức quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Hệ thống quản lý chất lượng của công ty không ngừng được cải tiến nhằm hoàn thiện trong quá trình SXKD. Tháng 6-2008, Tổ chức Quacert đã đánh giá lại sau 3 năm công ty thực hiện hệ thống quản lý chất lượng và tiếp tục được cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Công ty còn duy trì thực hiện quản lý theo phương thức quản lý của Nhật Bản đã làm tăng hiệu quả hoạt động quản lý, tạo cơ sở cho việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14000. Điều này đã tạo dựng uy tín cho HPC trong ngành nhựa Việt Nam và quốc tế.
Điều chỉnh lại năng suất làm việc của cấp quản lý và lực lượng lao động là một trong những biện pháp được công ty áp dụng để vượt qua giai đoạn suy giảm kinh tế, đồng thời gia tăng năng lực cạnh tranh với các DN nhựa trong khu vực. Chủ tịch Hội đồng quản trị HPC Nguyễn Hữu Vạn cho biết, Công ty liên tục đổi mới tổ chức sản xuất theo mô hình chuyên môn hóa, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác quản lý và quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng. Cùng với việc đổi mới sản xuất, công tác cán bộ cũng được kiện toàn phù hợp với tính chất công việc và quy mô mới, như lựa chọn cán bộ có trình độ vào các vị trí chủ chốt, ưu tiên cán bộ trẻ được đào tạo chính quy và có tinh thần trách nhiệm. HPC đã phối hợp với Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản tổ chức cho 65 cán bộ quản lý từ tổ trưởng sản xuất trở lên tham gia các khóa học về kỹ năng quản lý, ứng dụng để cải tiến nhà máy…
Sản phẩm công nghiệp nhựa - kỹ thuật của HPC liên tục trong các năm 2006-2008 và 2008-2010 được UBND TP Hà Nội công nhận là "Sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố". Hiện thị trường sản phẩm nhựa của HPC được mở rộng theo nhu cầu sử dụng của khách hàng có thương hiệu, như Honda Việt Nam, VMEP, LG Electronic Việt Nam; Hitachi Housetec, Tostem, Shoden, Mashimoto (Nhật Bản) và sắp tới là Toyota Việt Nam. Ngoài ra, HPC còn cung cấp thùng chứa công nghiệp mang thương hiệu HPC cho hầu hết công ty liên doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường phía Bắc, các công ty của Nhật Bản ở miền Trung và miền Nam.
HPC đã chọn cho mình hướng đầu tư đúng, nên sẵn sàng cạnh tranh, giành thị phần với sản phẩm nhựa Trung Quốc trên "sân nhà". Định hướng chiến lược từ nay đến năm 2015 của HPC là phát triển theo hướng sử dụng công nghệ cao, đẩy mạnh sản xuất và phát triển các sản phẩm công nghiệp sử dụng vật liệu kỹ thuật có kết cấu tinh xảo, nhằm phục vụ cho việc nội địa hóa thay thế hàng nhập khẩu của các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.