(HNM) - Năm năm qua (2006-2010), Hà Nội đã chủ động khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và đã đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội.
Các chương trình, đề án công tác trong lĩnh vực phát triển kinh tế và chủ trương kích cầu của Chính phủ được thành phố thực hiện có hiệu quả. Bình quân 5 năm, GDP tăng 10,4%/năm, cao gấp 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao và sản phẩm mũi nhọn.
Phát triển có chọn lọc
Trong cơ cấu GDP, dịch vụ được Hà Nội ưu tiên đầu tư phát triển, chiếm tỷ trọng cao. Các ngành dịch vụ có trình độ, chất lượng cao như thương mại, tín dụng - ngân hàng, vận tải, bưu chính - viễn thông... được chú trọng phát triển, với mức tăng trưởng khá. Hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa và các dịch vụ sau bán hàng được củng cố, phát triển. Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của kinh tế Thủ đô. Kim ngạch xuất khẩu (XK) Hà Nội, đạt mức tăng trưởng bình quân 18,3%/năm, trong đó XK địa phương tăng 20%/năm. Cơ cấu hàng XK chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp và chế biến, giảm XK nguyên liệu thô. Thị trường nhập khẩu (NK) hàng hóa được mở rộng. Giá trị nhập siêu trên địa bàn đã chậm lại, tốc độ tăng kim ngạch NK thấp hơn tốc độ tăng kim ngạch XK.
Công nghiệp Hà Nội phát triển có chọn lọc, tập trung vào các ngành có trình độ công nghệ cao, như điện tử - tin học, viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác và vật liệu mới, các nhóm sản phẩm công nghiệp có lợi thế và thương hiệu. Một số ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản và hoạt động của làng nghề được khuyến khích phát triển. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp - xây dựng đạt 12,3%/năm. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp bình quân đạt 1,75% /năm.
Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, cơ chế quản lý có tiến bộ. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Doanh nghiệp (DN) nhà nước được đổi mới, sắp xếp lại và hoạt động đạt hiệu quả (đóng góp 36,2% GDP thành phố). Kinh tế ngoài quốc doanh phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Kinh tế tập thể, nhất là loại hình hợp tác xã dịch vụ tiếp tục được củng cố. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, có mức tăng trưởng cao. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN phát triển được ban hành, thực hiện đồng bộ trong các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và XK...
Tạo cơ hội trong thách thức
Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, việc xác định rõ, tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu và định hướng phát triển đã thể hiện sự chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, trong việc vận dụng sáng tạo Nghị quyết số 15 của Quốc hội vào thực tế, cũng như yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Hơn 2 năm qua, với quyết tâm phát huy tối đa những lợi thế, chủ động tạo ra cơ hội trong thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực công tác. Trong đó, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt kết quả đáng khích lệ, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn liên tục tăng, đạt bình quân 33,14%/năm, cả giai đoạn đạt 602.900 tỷ đồng, chiếm 60% GDP, đóng góp hơn 15% tổng thu ngân sách cả nước. Việc hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc để phát triển kinh tế ngày càng được mở rộng. Trên địa bàn hiện có hơn 100.000 DN đăng ký hoạt động; các loại hình DN đã đóng góp khoảng 89% GDP của thành phố.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo quyết liệt, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người năm 2010 ước đạt hơn 25,7m2, gấp hơn 3 lần so với chỉ tiêu đề ra sau khi hợp nhất. Quản lý trật tự xây dựng đô thị có chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ công trình xây dựng có giấy phép tăng dần qua từng năm, đến nay đạt hơn 90%. Số công trình xây dựng sai phép, không phép giảm đáng kể. Việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị được triển khai đồng bộ. Những năm qua, Hà Nội đã xây dựng, cải tạo nhiều hồ, công viên, vườn hoa, tăng thêm các điểm sinh hoạt văn hóa vui chơi công cộng, nhiều tuyến phố được chỉnh trang, nâng cấp... Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu đô thị được đầu tư, khớp nối, gắn kết với các khu dân cư lân cận theo hướng ngày càng hoàn chỉnh hơn. Hoàn thành đầu tư xây dựng một số nhà máy xử lý rác thải tại một số khu vực nhằm cải thiện môi trường. Vận tải công cộng được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân; thu gom 95% lượng rác thải trong ngày tại đô thị, tổ chức chôn lấp hợp vệ sinh; xây dựng, cải tạo các hồ, công viên, nâng cấp 49 vườn hoa, nâng diện tích đất cây xanh bình quân đầu người từ 5m2 năm 2005, lên 5,7m2 năm 2010. Hằng năm, Thủ đô đã tạo việc làm cho hơn 10 vạn lao động. Riêng năm 2010, hệ thống cơ sở đào tạo nghề tăng hơn 20%, quy mô đào tạo nghề tăng khoảng 20.000 người so với đầu năm 2006, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 53% năm 2010.
Trong 5 năm qua, nhất là sau khi Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính (tháng 8-2008), mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, cùng lúc phải giải quyết khối lượng công việc lớn; nhưng Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, lựa chọn đúng và chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả những chủ trương lớn, mang tính đột phá (9 chương trình công tác lớn của Thành ủy; 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá của thành phố). Đặc biệt, Hà Nội cũng đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch của giai đoạn 2006-2010, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và tạo ra thế bứt phá về kinh tế cho Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.