(HNM) - Xuất phát từ thực trạng đời sống người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế. Đây là việc làm không chỉ giúp người dân vùng biên cương xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân.
Hợp tác xã Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là mô hình đầu tiên ra đời năm 2009 của BĐBP cửa khẩu Ma Lù Thàng nhằm giúp dân phát triển kinh tế. Trung úy Lê Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: Xuất phát từ việc tự túc thực phẩm trong quá trình "cắm bản" để làm nhiệm vụ, chúng tôi đã chủ động xuống bản, hướng dẫn bà con trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả, phù hợp. Đơn vị còn trồng thử nghiệm một số loại cây như bí xanh, bí đỏ, chuối; nuôi dê, bò, ngựa đến khi chọn được cây, con có hiệu quả để bà con làm theo; đồng thời chủ động giao vật nuôi cho các hộ với hình thức quay vòng để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều hộ thoát nghèo, không còn đói ăn, đói mặc. Anh Tẩn Vần Nghĩa thuộc bản Hùng Pèn, xã Ma Ly Pho là một trong những hộ đã thoát cảnh nghèo đói quanh năm nhờ BĐBP bộc bạch: "Có BĐBP vào đây hướng dẫn các con tôi không còn đói nữa".
Bác sỹ Bộ đội Biên phòng khám bệnh cho trẻ em và người dân xã Na Cô Sa (huyện Mường Nhé - Điện Biên). |
CBCS Đồn Biên phòng Phù Nhi (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) giúp nhân dân nơi đơn vị đóng quân thoát nghèo bằng cách dùng sức trẻ của mình để khai hoang, xây dựng nên mô hình "vườn-ao-chuồng" trồng ngô hai vụ xen canh rau đậu, đào ao thả cá, chăn nuôi dê, bò rồi tổ chức cho nhân dân địa phương đến tham quan và hướng dẫn bà con thực hiện. Nhờ sự tận tình của BĐBP, nhiều người dân Mường Lát đã xóa bỏ được tập quán canh tác cũ, chuyển sang làm theo mô hình sản xuất mới, đời sống khá lên rõ rệt. Trung tá, Đồn trưởng Nguyễn Văn Chung khẳng định: "Thành công hôm nay là kết quả từ sự nhiệt tình của CBCS trong đơn vị bởi nếu không nhiệt tình, không gần dân để biết bà con cần gì, thiếu gì thì dù nguồn vốn hỗ trợ cho dân có nhiều đến mấy cũng không hiệu quả". Hay ở xã biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) CBCS Đồn Biên phòng Đa Lộc đã vận động nhân dân xây dựng phong trào "Tổ tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế gia đình". Với sự vào cuộc nhiệt tình của những người lính mang quân hàm xanh, hiện nay xã Ngư Lộc đã xây dựng được 111 nhóm vốn quay vòng lên tới hơn 700 triệu đồng, mua được 620 ngư cụ cho ngư dân, giải quyết việc làm cho gần 3.000 người…
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc cần phải dựa vào dân, trong khi đời sống của đồng bào vùng biên còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40%, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát động chương trình BĐBP giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Tránh hô hào chung chung, Đảng ủy Bộ Tư lệnh xác định phải hướng vào dân bằng những việc làm cụ thể, BĐBP ở mỗi tỉnh phải chọn một nơi để làm điểm; các đồn biên phòng tập trung vào các mô hình củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở chính trị, quy hoạch dân cư gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình". Sau khi nghiên cứu đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, BĐBP cả nước đã xây dựng 150 mô hình sản xuất để chuyển giao cho bà con. Các mô hình phát triển kinh tế - xã hội được hình thành như: xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, trạm xá quân - dân y kết hợp, trồng cây chống xói mòn đất, trồng măng tre Bát Độ, xây dựng giao thông nông thôn, nuôi tôm nước ngọt, nuôi lợn siêu nạc… Cùng với các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, hiện nay, BĐBP các tỉnh, thành phố đã bố trí 340 CBCS tăng cường cho 340 xã biên giới, trong đó có 238 đồng chí giữ các chức danh chủ chốt ở địa phương. Đội ngũ cán bộ tăng cường xã đã tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chương trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay, cơ bản các xã biên giới đã loại bỏ được các giống cũ, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, nhiều địa phương đã tự cân đối được lương thực. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc phát triển, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xóa đói giảm nghèo đang phát triển rộng ở nhiều nơi. Trong hơn 2 năm gần đây, các đơn vị BĐBP còn đảm nhận triển khai 16 dự án phát triển kinh tế trị giá hơn 6 tỷ đồng; giúp dân 37.814 ngày công, sửa chữa 665km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, làm mới 1.425 nhà cho các hộ nghèo; quy hoạch dân cư và vận động 2.565 hộ định cư...
Với quan điểm, phải dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ, BĐBP luôn xác định việc giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của toàn lực lượng, nhất là các đồn biên phòng. Giúp bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa cải thiện đời sống cũng là cách xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh và là yếu tố quan trọng giúp những người lính quân hàm xanh bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.