Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hiền Phương| 15/09/2015 07:56

(HNM) - Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015”, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS đã có sự thay đổi rõ rệt.

Đổi thay toàn diện

Chủ tịch UBND xã An Phú (Mỹ Đức) Nguyễn Thế Nghĩa cho biết: Xã có 6/13 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, 1.700 hộ dân thì có tới 70% là đồng bào dân tộc Mường. Được sự quan tâm đầu tư của thành phố, nhất là từ khi triển khai Nghị quyết 06 của Thành ủy, Đảng ủy xã đã ban hành kế hoạch giảm nghèo và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thôn với mục tiêu giúp đỡ các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 100% hộ dân có điện sinh hoạt, 80% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,5%.

Đóng gói thuốc Nam tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Ảnh: Nhật Nam


Xã miền núi Yên Trung (Thạch Thất) có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Sau hơn 7 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, được sự quan tâm đầu tư của thành phố, toàn bộ hệ thống giao thông thủy lợi cũng như trục giao thông trên địa bàn xã đã cơ bản được cứng hóa, rất thuận tiện trong việc đi lại, giao lưu buôn bán cũng như làm nông nghiệp. Chị Nguyễn Thị Lan, Thôn Luồng cho biết: "Trước khi về với Thủ đô, toàn xã mới chỉ có khoảng 2km đường dây điện, tập trung ở khu vực trung tâm xã nhưng nay điện lưới đã được kéo về tất cả các thôn phục vụ sản xuất và sinh hoạt của bà con. Cùng với đó, diện mạo nông thôn của xã đang có nhiều thay đổi, xã đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 06, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS Thủ đô, hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của các xã vùng DTTS đạt trên 10%; bình quân lương thực đầu người đạt 417kg/người/năm. Đã hình thành một số mô hình sản xuất tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở xã Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất); vùng sản xuất chè búp khô ở các xã: Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài (Ba Vì); vùng sản xuất cây thuốc nam ở xã Ba Vì, cây ổi ở xã Ba Trại (Ba Vì)... Tại khu vực này đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư và liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cao như: Vùng chăn nuôi bò sữa các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (Ba Vì); mô hình nuôi lợn rừng, lai lợn rừng, gà đồi... an toàn vệ sinh thực phẩm đang được nhân rộng tại các xã Tiến Xuân, Yên Bình (Thạch Thất).

Bài học từ sự đồng thuận

Đồng bào DTTS sống tập trung thành làng, bản tại 14 xã thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ với tổng số hơn 52.000 người, chiếm 77,63% người DTTS trên toàn thành phố. Vùng đồng bào DTTS miền núi gặp không ít khó khăn, thách thức như cách xa trung tâm, địa bàn cao, giao thông đi lại khó khăn; dân cư sinh sống phân tán, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và xuống cấp... Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 06 được Thành ủy Hà Nội ban hành đã đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và hợp với lòng dân, được cán bộ, đảng viên, đồng bào các DTTS đồng tình, hưởng ứng thực hiện. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân tộc có bước chuyển biến quan trọng, xác định đúng đắn hơn vị trí, tầm quan trọng của Nghị quyết và các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân tộc vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có tính thường xuyên, lâu dài.

Bài học về thành công trong việc thực hiện Nghị quyết 06 của Thành ủy Hà Nội là đã huy động được vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Mặt khác, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết luôn có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác, chính sách dân tộc trong giai đoạn tiếp theo với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế khu vực này bình quân hằng năm trên 10%; giảm hộ nghèo bình quân 1,4-1,6% năm; đến năm 2020, số hộ nghèo giảm còn dưới 8% (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016 - 2020); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục đạt từ 80% trở lên; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, giảm khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS miền núi với vùng nội đô.

Giai đoạn 2011-2015, TP Hà Nội đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng xây dựng 202 công trình cho đồng bào vùng DTTS. Ngoài ra, thành phố kêu gọi các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp điện với tổng kinh phí 101 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã được bê tông hóa hoặc cứng hóa, trên 50% đường trục thôn được bê tông hóa. 14/14 xã có hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng đạt yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh, trong đó trên 20% kênh mương của các xã được kiên cố hóa. 100% số thôn có hệ thống điện bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt, 100% trạm y tế xã có bác sĩ và đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu chuyên môn ở tuyến cơ sở...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.