Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sức mạnh tổng hợp

Đỗ Quỳnh Chi| 29/04/2022 06:17

(HNM) - Với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, công tác văn hóa - văn nghệ luôn được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư và dành nguồn lực xứng đáng. Đặc biệt trong những nhiệm kỳ gần đây, Thành ủy Hà Nội đều có chương trình công tác riêng nhằm cụ thể hóa hoặc lồng ghép lĩnh vực văn hóa - văn nghệ vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mới nhất là Thành ủy khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để cụ thể hóa quan điểm mới của Đảng về phát triển văn hóa - văn nghệ.

Điều đáng mừng là với quan điểm xuyên suốt đó, những năm qua, công tác văn hóa - văn nghệ của Thủ đô phát triển phong phú, đa dạng, tiêu biểu cho cả nước. Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo, nghị quyết của Trung ương, đưa văn hóa vào cuộc sống. Hà Nội là địa phương tiên phong triển khai phát triển văn hóa, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát huy văn hóa ngàn năm, vừa đưa văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thành phố cũng kiên trì trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; quan tâm phát triển nguồn nhân lực văn nghệ sĩ, trí thức; đẩy mạnh giao lưu hợp tác, quảng bá hình ảnh với các nước trên thế giới...

Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa - văn nghệ của Thủ đô thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Trong đó, sự chuyển biến vẫn chưa xứng tầm; văn hóa ứng xử của một bộ phận giới trẻ còn đáng lo ngại; nhiều thiết chế văn hóa hiệu quả sử dụng chưa cao...

Thời gian tới, nhằm coi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - văn nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững cần nắm vững quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, nổi bật là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong công tác quản lý nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa - văn nghệ.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy lòng tự hào, tự trọng, niềm tin yêu, trách nhiệm với Hà Nội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ; kiên trì thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật...

Các cấp, ngành, địa phương của Thủ đô cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy với những công trình, việc làm thiết thực; trong đó tập trung phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa để khai thác tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Thủ đô. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất, phổ biến sản phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; tập trung nghiên cứu giải pháp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và những xu hướng mới. Đặc biệt là quan tâm bồi dưỡng đội ngũ tài năng nghệ thuật của Thủ đô để họ tiếp tục sáng tạo những tác phẩm chất lượng cao...

Đồng bộ các giải pháp trên nhằm góp phần phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác văn nghệ, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp cho Thủ đô Hà Nội và đất nước phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sức mạnh tổng hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.