(HNNN) - Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được xác định là một trong ba khâu đột phá của thành phố Hà Nội.
Sự vào cuộc chủ động, tích cực
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của ngành Giáo dục Thủ đô trong tháng 10 vừa qua là sự kiện Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) được Tổ chức Khảo thí và Giáo dục quốc tế Cambridge công nhận là trường thành viên. Đây là trường trung học cơ sở công lập đầu tiên của Việt Nam nằm trong danh sách này, cho thấy hướng đi đúng, hiệu quả trong đầu tư, phát triển hệ thống trường, lớp đào tạo các chương trình chuẩn quốc tế của ngành Giáo dục quận Thanh Xuân nói riêng và toàn thành phố nói chung. Từ cơ sở này, người dân Thủ đô hoàn toàn tin tưởng trong thời gian không xa, trên địa bàn thành phố sẽ có thêm nhiều ngôi trường như thế, tạo nhiều điều kiện để học sinh được tiếp cận với các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, có ưu thế phát triển ngoại ngữ, tin học.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, sức bật ấy được tạo đà trên nền tảng vững chắc của chất lượng giáo dục toàn diện. Dù có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là áp lực từ việc số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường hằng năm liên tục tăng, song trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành Giáo dục Thủ đô vẫn phát triển mạnh mẽ và giữ vững vị thế. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, về chất lượng giáo dục toàn diện. Học sinh thành phố đạt 144 giải quốc gia, 338 giải và huy chương tại các kỳ thi quốc tế. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đạt 99,17%, tăng 2,99% so với năm 2019. Tỷ lệ thí sinh có điểm tuyển sinh đại học đạt từ 15 trở lên chiếm 90,72%. Học sinh Hà Nội không chỉ học tốt mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần tương thân, tương ái, biết chia sẻ, lắng nghe...
Cùng với đó, việc dạy học ngoại ngữ cũng được coi là một thế mạnh của các trường học ở Thủ đô. Từ năm học 2017 - 2018, Hà Nội đã triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - chứng chỉ A Level tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Đến nay, chương trình đã được mở rộng tại 7 trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, toàn thành phố còn có 20 trường đã được UBND thành phố Hà Nội “đóng dấu” đạt tiêu chí trường chất lượng cao, trong đó có những thế mạnh về tin học, ngoại ngữ. Điều ấy cho thấy sự chủ động, tích cực và tiềm năng, thế mạnh của ngành Giáo dục Thủ đô trong công tác giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đáng chú ý, mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải tạm dừng việc học trong một khoảng thời gian, nhưng với tinh thần tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, thầy và trò toàn ngành đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để duy trì việc dạy và học. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, hầu hết học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố đã được học tin học từ lớp 3. Với ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh, học sinh còn có cơ hội học nhiều thứ tiếng khác như tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp... Nhiều sân chơi bổ ích như cuộc thi toán học Hà Nội mở rộng, cuộc thi toán và khoa học quốc tế dành cho học sinh dưới 13 tuổi... đã được ngành Giáo dục Thủ đô duy trì, góp phần nâng tầm kỹ năng giao tiếp, vốn ngoại ngữ, trình độ học vấn và sự thân thiện của học sinh Thủ đô đối với bạn bè quốc tế.
Theo thầy giáo Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai), bên cạnh chương trình chính khóa, học sinh có nhiều cơ hội nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học qua nhiều hoạt động ngoại khóa như thi Olympic tiếng Anh, thi khoa học kỹ thuật, thi tin học trẻ không chuyên, ngày hội STEM...
Tạo nền tảng vững chắc để xây dựng, phát triển Thủ đô
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định: Nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với ngành Giáo dục Thủ đô. Với những kết quả đã đạt được, bằng sự nỗ lực và niềm tin, mỗi nhà giáo, từng đơn vị, trường học ở Thủ đô quyết tâm phát huy kết quả, khắc phục khó khăn, quyết tâm tiên phong đổi mới toàn diện để đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh việc duy trì các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, đội ngũ nhà giáo Thủ đô có trách nhiệm không nhỏ.
Thầy giáo Nguyễn Công Đức, giáo viên Trường Trung học cơ sở Quảng An, quận Tây Hồ bày tỏ: “Xác định rõ sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong việc đào tạo nên những thế hệ học sinh Thủ đô là chủ nhân tương lai của thành phố thông minh, chúng tôi sẽ luôn không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng, tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, coi trọng kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân, Trường Trung học cơ sở Văn Khê (quận Hà Đông) chia sẻ: Ngoài việc tích cực trau dồi về chuyên môn, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thiện mình theo phẩm chất của nhà giáo mẫu mực của Thủ đô, đó là: “Phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp”, làm gương cho học sinh noi theo.
Quyết tâm đào tạo những chủ nhân tương của thành phố thông minh, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đã, đang cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp thiết thực, khả thi. Đi tiên phong trong việc đẩy mạnh năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho học sinh, ngành Giáo dục quận Ba Đình đang triển khai dạy thí điểm chương trình tin học theo chuẩn quốc tế tại 10 trường học.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình thông tin: Đây là một trong những nội dung của “Đề án triển khai dạy tin học theo chuẩn quốc tế tại các trường tiểu học và trung học cơ sở thuộc quận Ba Đình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” do UBND quận ban hành. Mục tiêu tới năm 2025, 100% học sinh của quận được học chương trình tin học quốc tế, trong đó có 30% số học sinh tiểu học, 35% số học sinh trung học cơ sở đạt chuẩn kỹ năng sử dụng tin học quốc tế.
Điều đáng nói, việc triển khai dạy chương trình tin học theo chuẩn quốc tế còn là cơ hội để đội ngũ giáo viên có thêm cơ hội nâng cao trình độ thông qua việc được khai thác, học tập từ kho bài giảng và giáo án đạt chuẩn quốc tế. Ngành Giáo dục quận cũng đã xây dựng cộng đồng giáo viên tin học, tổ chức tiết dạy mẫu để chia sẻ kinh nghiệm...
Còn ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết: Năm học 2020 - 2021, trên địa bàn quận Cầu Giấy có 6 trường tiểu học và trung học cơ sở đang triển khai dạy học chương trình tin học theo chuẩn quốc tế, từ đó dần dần nhân rộng ra các trường học khác để học sinh có cơ hội nâng cao trình độ, kỹ năng tin học. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, UBND quận Cầu Giấy đã trang bị phòng học đa chức năng với các trang thiết bị hiện đại, coi đây là mô hình mẫu để tiếp tục triển khai.
Trong khi đó, với ưu thế về việc huy động nguồn lực xã hội hóa, ngành Giáo dục quận Thanh Xuân tập trung mở rộng mô hình trường chất lượng cao; đẩy mạnh các chương trình hợp tác giáo dục với các nước trên thế giới. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19, năm học 2020-2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận tăng cường hiệu quả công tác tham mưu UBND quận tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; xây dựng kho học liệu, bài giảng điện tử và tăng cường rèn cho học sinh kỹ năng học tập qua mạng...
Mỗi nhà giáo, mỗi đơn vị, trường học ở Thủ đô đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô toàn diện, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.