(HNM) - “Thông thường người ta cho rằng mục đích của doanh nghiệp là đuổi theo lợi nhuận. Đồng ý lợi nhận là không thể thiếu, nhưng nói đó là mục tiêu duy nhất phải đạt được thì không phải. Điều căn bản ở đây chính là thông qua công việc, chúng ta tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và trên con đường hoàn thành sứ mạng căn bản đó, chúng ta nhận lại lợi ích…”.
Và “Theo triết lý kinh doanh đó, chúng ta là những người bạn đồng hành cùng “tạo ra sự phát triển cho cộng đồng” và còn hơn thế nữa cùng kiến tạo không gian phát triển cho đất nước, cùng tạo dựng thương hiệu quốc gia thông qua một ngành hàng…” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã viết như vậy trong thư ngỏ gửi các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp.
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc và trong thành công ấy, có đóng góp quan trọng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Một nhà kinh tế đã nói “Bất kỳ một nền kinh tế nào cũng cần có những con sếu đầu đàn dẫn dắt để đàn sếu bay xa, bay nhanh và bay đúng hướng…”. Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp giàu tiềm lực không chỉ tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ mà còn định hình thị trường, góp phần tái cấu trúc ngành Nông nghiệp và là những “đầu kéo” dẫn hướng doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.
Trong năm 2023, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều biến động, trong khi nền nông nghiệp 4.0 trong kỷ nguyên số của Việt Nam đang giai đoạn đầu, còn nhiều việc phải làm, khó khăn thách thức đang ở phía trước. Cụ thể là cấu trúc lại doanh nghiệp thích ứng với những xu thế mới; cấu trúc lại thị trường để vừa thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường nội địa; cấu trúc lại các dòng sản phẩm nông nghiệp phù hợp với xu thế tiêu dùng xanh… Rất nhiều vấn đề đặt ra với ngành Nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng biến điều “không thể” trở thành “có thể” nếu vững tin và có cách tiếp cận mới, chủ động trước những vấn đề từ thực tế phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Tinh thần “đi cùng nhau” không phải là một khẩu hiệu mà là tư duy, là văn hóa, là triết lý kinh doanh và hơn cả là triết lý nhân sinh. Mong rằng các hiệp hội ngành hàng luôn giương cao ngọn cờ tập hợp cộng đồng doanh nghiệp vì những mục tiêu cao cả”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng: “Gần đây, bên cạnh những thách thức đã xuất hiện những tín hiệu vui khi thị trường mở cửa và chúng ta đã tiến vào những thị trường bằng con đường chính ngạch một cách đầy tự tin. Vì thế, mỗi người trong chúng ta hãy cùng nhau “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” trong mỗi chuyến hàng”.
Và để tạo sự phát triển cho cộng đồng, các bộ, ngành và địa phương cần rà soát, nghiên cứu, ban hành các chính sách khơi dậy nội lực của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở thành những “đầu tàu” dẫn dắt chuỗi giá trị, qua đó nâng cao kỹ năng quản trị, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng nguyên liệu, liên kết các vùng sản xuất và chế biến… Mặt khác là tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hệ thống, xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, thích ứng với sự thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo tính tự chủ, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.