(HNM) - Theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH, trong 5 năm trở lại đây, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em cấp xã, phường, hệ thống nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện tăng không đáng kể và không đáp ứng được nhu cầu.
Nguyên nhân không hẳn do thiếu đất, thiếu tiền mà do thiếu sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự thờ ơ của chính quyền địa phương. Trẻ em phải tìm đến những điểm vui chơi không an toàn như ao, hồ, sông, lòng đường, vỉa hè... và nhiều hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Nước ta có khoảng 23,63 triệu trẻ em, chiếm 27,5% dân số, trong đó 1,53 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Số lượng trẻ em tăng dần theo từng năm (dự báo sau năm 2020 tỷ lệ dân số trẻ em sẽ tăng lên 30%) . Trong khi đó, số lượng điểm vui chơi, giải trí tăng không đáng kể. Năm 2003, hệ thống nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện là 274, năm 2005 tăng lên 304, năm 2008 tăng lên 307. Hiện cả nước mới có khoảng 148 điểm vui chơi cấp tỉnh, hơn 770 điểm vui chơi cấp huyện, khoảng 4.200 điểm vui chơi cấp xã, phường, 3.673 nhà văn hóa cấp xã, 37.134 nhà văn hóa thôn, bản. Đáng buồn hơn, hệ thống nhà hát phục vụ thiếu nhi không tăng về số lượng, chỉ tăng về số đoàn biểu diễn và số vở dựng mới...
Điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em đã ít lại phần lớn tập trung ở thành thị nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của trẻ em. Tại Hà Nội mấy năm qua, số lượng điểm vui chơi dành cho trẻ em vẫn dậm chân tại chỗ vẫn chỉ là mấy điểm như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất... Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất là những cái tên được nhắc đến từ mấy chục năm nay nhưng mỗi khi nói về chỗ vui chơi cho trẻ em trong dịp nghỉ hè thì chẳng ai dám cho con cái mình vào đó bởi người lớn lấn sân. Công viên nước Hồ Tây đẹp nhưng giá dịch vụ vui chơi quá đắt. Cũng vì địa điểm vui chơi hiếm hoi như vậy nên chỗ nào cũng quá tải, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ.
Sân chơi thiếu, các thiết bị phục vụ việc giải trí lành mạnh của trẻ em chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đã ít lại không được duy tu, sửa chữa nên ngày càng xuống cấp khiến nhiều trẻ em phải tìm đến những sân chơi nguy hiểm như tắm sông, ao, hồ, đá bóng ngoài đường... Trẻ em tiện đâu chơi đấy, nhiều em phải tự nghĩ ra cách chơi và không ít tai nạn thương tích đã xảy ra. Thống kê của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, trong vòng 5 năm (2005-2009), tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 36.130 trẻ, trung bình mỗi tháng có khoảng 586 trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích. Năm 2010 tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích là 875/100.000 trẻ. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong do tai nạn thương tích, sau đó đến tai nạn giao thông, bỏng.
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em... Mục tiêu đưa ra không cao nhưng để thực hiện thành công thì phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự quan tâm của chính quyền địa phương; có những chính sách bắt buộc các khu đô thị, các trung tâm thương mại phải có khu vực vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao dành cho trẻ em...
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 đã cho thấy, rất nhiều chỉ tiêu được đưa ra nhưng lại không hoàn thành (chẳng hạn như: mục tiêu 50% số xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ em đạt tiêu chuẩn nhưng đến nay mới đạt 38,4%; 100% số quận, huyện có trung tâm vui chơi cho trẻ em đến nay mới đạt 47%...) do nhận thức của một số bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương về nhiệm vụ được giao chưa đầy đủ, phiến diện... Lãnh đạo nhiều cơ sở chưa nhận thức đúng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Một bộ phận nhân dân chưa thấy hết trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...
Năm nay, với chủ trương "Vì môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ", Tháng hành động vì trẻ em sẽ đẩy mạnh việc vận động toàn xã hội xây dựng một môi trường giảm thiểu rủi ro cho trẻ. Trẻ em không chỉ cần được chăm sóc về vật chất mà còn cần được bảo vệ, được vui chơi, giải trí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.