(HNM) - Giá trị vốn đầu tư nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh 9 tháng năm 2016 giảm mạnh, mặc dù thành phố đang ra sức
Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. |
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh cuối tuần qua về tình hình kinh tế 9 tháng qua và giải pháp những tháng cuối năm, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng, toàn thành phố có 587 dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đạt 751,15 triệu USD. Tuy nhiên, so cùng kỳ, dù số dự án tăng 45,3% nhưng lại giảm đến 68,2% về giá trị vốn.
Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cũng cho biết, tính đến hết tháng 9, tổng vốn thu hút đầu tư tại các khu chế xuất và khu công nghiệp chỉ mới đạt 354,77 triệu USD, chiếm 50,65% so với mục tiêu đề ra cả năm là 700 triệu USD. Riêng lĩnh vực đầu tư nước ngoài có 14 dự án mới, 23 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư chỉ đạt 161,17 triệu USD, giảm 67,4% so với cùng kỳ 2015. Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay không có doanh nghiệp lớn nào vào đầu tư.
Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương nằm trong diện ưu tiên lựa chọn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam. Tuy vậy, việc giữ chân doanh nghiệp, giúp họ tự tin, mạnh dạn mở rộng quy mô, tăng nguồn vốn đầu tư để bám trụ lâu dài không phải chuyện dễ. Theo ông Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, thành phố cần nghiêm túc làm rõ nguyên nhân vì sao số dự án đầu tư nước ngoài tăng nhưng vốn đầu tư lại sụt giảm. Ông Nghĩa đặt vấn đề, liệu có hay không việc doanh nghiệp nước ngoài "không dám" đầu tư lớn do TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tư quá đắt đỏ và rủi ro cao?
Tại hội nghị thường niên các nhà đầu tư 2016 lần thứ 11 diễn ra vào cuối tuần qua tại TP Hồ Chí Minh, các nhà kinh tế cùng hàng trăm nhà đầu tư cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn của thành phố đang quyết liệt thoái vốn là cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Không những thế, nhiều công ty tư nhân cũng đang có nhu cầu gọi vốn từ thị trường đại chúng cũng là kênh đầu tư đầy tiềm năng giúp thành phố thu hút nguồn vốn từ bên ngoài. Đặc biệt, với vai trò là cửa ngõ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều cơ hội khi nước ta hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu. Ông Peter Redward, Giám đốc Hãng nghiên cứu Redward Associates cho rằng, các hiệp định thương mại tự do đa phương sắp được vận hành sẽ mở đường để các nhà đầu tư quốc tế quan tâm vào thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam mà cánh cửa chính là TP Hồ Chí Minh bởi địa phương này là "kinh đô" của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Để tận dụng cơ hội này, các chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần có những chính sách thu hút đầu tư minh bạch, rõ ràng và hấp dẫn mới "giữ chân" và kích thích doanh nghiệp tiếp tục rót vốn, mở rộng quy mô sản xuất. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn lo lắng về năng lực cung ứng các ngành phụ trợ của thành phố. Chính vì vậy, thành phố xác định một trong những giải pháp trọng tâm để tăng năng lực thu hút đầu tư nước ngoài là xây dựng một ngành công nghiệp hỗ trợ thật sự vững chắc, đa dạng, đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững. Qua đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.
"TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục rà soát quy hoạch, tạo thêm các quỹ đất sạch với giá thuê phù hợp nhằm giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài yên tâm bám trụ lâu dài", ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.