(HNM) - Trong đơn gửi Báo Hànộimới, một số người dân thôn Đức Trạch, xã Quất Động (huyện Thường Tín) cho rằng: Trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), Tiểu ban DĐĐT thôn Đức Trạch đã tự ý rút ruộng của người dân dẫn đến việc họ bị thiếu ruộng.
Bản thống kê chốt nhân khẩu chia ruộng của xã Quất Động năm 1992. |
Thực tế giao ruộng năm 1992 theo Kế hoạch số 68/KH-UBND về DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín, thì căn cứ để thực hiện DĐĐT là phải xác định đúng đối tượng, diện tích đất nông nghiệp giao cho các hộ theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ. Xã Quất Động là địa phương thực hiện giao ruộng lâu dài cho người dân từ năm 1992 và thời điểm đó xã cũng căn cứ vào quy chế, kế hoạch cụ thể để xác định ruộng được giao theo từng nhân khẩu. Theo phản ánh của bà Lưu Thị Nhài, năm 1992 gia đình bà được giao sử dụng lâu dài 5 suất ruộng (đất quỹ I) với tổng diện tích 2.250m2. Sau khi trừ diện tích bị thu hồi để làm đường cao tốc, gia đình bà Nhài còn hơn 2.114m2 và trên thực tế gia đình bà Nhài đang sử dụng hơn 2.145m2. Từ năm 1992 đến nay, gia đình bà vẫn canh tác và nộp đầy đủ các khoản phí kinh doanh dịch vụ cho đội sản xuất, cho hợp tác xã. Tuy nhiên, khi thực hiện DĐĐT, gia đình bà Nhài đã bị Tiểu ban DĐĐT tự ý rút một suất ruộng của ông Tồn (bố đẻ bà Nhài) với diện tích 396m2. Theo bà Nhài, DĐĐT không phải là chia lại ruộng mà là việc dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Bên cạnh đó, UBND huyện Thường Tín cũng hướng dẫn giữ nguyên diện tích của các hộ được giao từ năm 1992 để DĐĐT. Do đó, sau khi DĐĐT, họ phải được nhận đủ số diện tích đã được giao từ năm 1992…
Ngoài trường hợp của bà Nhài, ông Phan Xuân Tích và ông Đỗ Văn Đề cùng ở thôn Đức Trạch cũng "tố" bị cán bộ xã và cán bộ thôn rút ruộng của các con mình là cháu Phan Xuân Tình và Đỗ Thị Minh Hằng. Ông Đỗ Văn Đề dẫn chứng: Từ năm 1992 đến nay, hai gia đình chúng tôi vẫn được giao đủ suất ruộng và nộp các khoản phí dịch vụ nông nghiệp trên diện tích 1.350m2 (đã trừ diện tích bị thu hồi làm đường) và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với địa phương. Theo Hướng dẫn của UBND huyện Thường Tín thì thời điểm chốt nhân khẩu để giao ruộng lâu dài cho người dân ở các địa phương là ngày 30-11-1992 (trừ hai xã Nghiêm Xuyên và Vân Tảo là địa phương làm điểm thì chốt nhân khẩu vào ngày 30-9-1992). "Soi" với hướng dẫn này thì cháu Tình và Hằng đều đủ điều kiện được giao ruộng vì các cháu đều sinh trước ngày 30-11-1992. Bên cạnh đó, cả ba hộ nói trên đều cho rằng, huyện Thường Tín đã cấp sổ đỏ cho các hộ sai về diện tích vì ghi không đủ diện tích so với định suất được giao và diện tích sử dụng trên thực tế. Bất cập do quản lý lỏng lẻo, khác với lập luận nêu trên của các hộ dân, UBND xã Quất Động khẳng định: Việc giao ruộng khi DĐĐT là đúng.
Căn cứ vào danh sách chốt nhân khẩu được giao ruộng đất năm 1992 của địa phương hiện đang được lưu giữ tại trụ sở UBND xã Quất Động; căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp các hộ được cấp năm 1999 thì diện tích ruộng của các hộ được giao để DĐĐT vẫn đủ theo định suất chia năm 1992. Căn cứ vào danh sách giao ruộng của thôn Đức Trạch năm 1992 thì tại thời điểm giao ruộng, gia đình bà Nhài có 5 khẩu, nhưng chỉ 4 khẩu được giao ruộng lâu dài (đất quỹ I). Riêng định suất của ông Lưu Mạnh Tồn (bố bà Nhài) chỉ là tạm giao vì theo quy chế "cán bộ, công nhân viên chức nghỉ mất sức có thời hạn trước năm 2000" thì được giao ruộng nhưng thấp hơn mức bình quân chung. Song do bố bà Nhài vẫn được hưởng chế độ nghỉ mất sức nên không thuộc đối tượng giao ruộng vì quy chế cũng ghi rõ: "Những năm còn hưởng chế độ thì phải chịu sản lượng đấu thầu". Còn trường hợp của cháu Tình và Hằng, do thời điểm chốt nhân khẩu để chia ruộng của xã Quất Động là ngày 30-9-1992 nên cả hai cháu đều không được ruộng do sinh sau thời điểm này. Việc các cháu vẫn được giao ruộng từ năm 1992 là do thôn Đức Trạch tạm giao ruộng quỹ đất II, nay không thuộc đối tượng giao ruộng thì phải rút ra…
Tuy nhiên, theo chúng tôi, những bất nhất nêu trên bắt nguồn từ việc địa phương thực hiện chính sách ruộng đất còn chưa minh bạch. Điều dễ thấy là cả ba hộ gia đình nói trên đều nộp các khoản dịch vụ hằng năm cho đội sản xuất, cho hợp tác xã trên toàn bộ diện tích đang sử dụng (cả các diện tích tạm giao). Trong khi đó, theo quy định thì quỹ đất II phải thu hoa lợi dưới dạng đấu thầu nhưng toàn bộ 3 gia đình này đều nộp sản phẩm dưới dạng đất quỹ I. Chính vì vậy, các gia đình mặc nhiên coi đó là đất quỹ I, là định suất được giao của gia đình. Riêng hai trường hợp cháu Tình và Hằng, nếu theo hướng dẫn của UBND huyện Thường Tín thì thời điểm chốt nhân khẩu của xã Quất Động là ngày 30-11-1992, vì vậy đây phải là nhân khẩu phát sinh hợp lý, rất cần được các cơ quan chức năng xem xét bảo đảm hợp lý, hợp tình. Về việc này, ông Nguyễn Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Quất Động cho biết: Thôn Đức Trạch thực hiện DĐĐT, giao ruộng cho người dân căn cứ vào các tài liệu như: Quy chế giao ruộng của xã Quất Động ban hành năm 1992, danh sách chia ruộng cho các hộ năm 1992 và "sổ đỏ" các hộ được cấp năm 1999. Diện tích ruộng ghi trong sổ đỏ của các hộ là đất quỹ I, còn diện tích ruộng tạm giao là đất quỹ II nên không được liệt kê trong sổ đỏ. Vì vậy, khi thực hiện DĐĐT các hộ chỉ được dồn ruộng theo diện tích đất quỹ I ghi trong sổ đỏ. Hiện nay, việc xét giao đất sản xuất cho các hộ không thuộc thẩm quyền của UBND xã.
Những bất cập nêu trên tồn tại đã hơn 20 năm cùng với một quá trình quản lý ruộng đất còn lỏng lẻo khiến nhiều bức xúc không đáng có đã nảy sinh. Thực tế này cho thấy UBND xã Quất Động cần xem xét, báo cáo và đề xuất với UBND huyện Thường Tín về những trường hợp phát sinh hợp lý để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.