Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nguồn lực mới

Hải Yến| 09/02/2011 06:05

(HNM) - Mấy năm qua, trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam phải gồng mình hứng chịu những cơn "bão giá" của cơ chế thị trường. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp táo bạo để vừa ổn định dân sinh, vừa thúc đẩy phát triển. Một trong những giải pháp đó là sự mạnh dạn xã hội hóa các hoạt động đầu tư.

Xã hội hóa các dự án giao thông

"Tôi thật sự vui khi được đóng góp một phần công sức cho đất nước, cho TP Hồ Chí Minh" - Tiến sĩ Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ, chủ đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng lớn nhất Hồ Chí Minh nối liền quận 2 và quận 7 cho biết. Trong mắt một số người, việc ông Việt kiều Pháp trở về nước, mở doanh nghiệp và tham gia xây dựng cầu Phú Mỹ có thể chỉ là công việc kinh doanh đơn thuần. Thế nhưng, nếu biết được rằng Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư thì mới hiểu được tại sao Tiến sĩ Nguyễn Thành Thái lại nói như vậy. Tất nhiên, để có những doanh nghiệp như Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ với công trình cầu Phú Mỹ trị giá hơn 2.000 tỷ đồng thì thành phố phải tạo được niềm tin với doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố góp sức cùng công ty ngay từ khi triển khai lập dự án, thực hiện thủ tục đầu tư, giải quyết các vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng…

Theo thống kê của Sở GTVT, từ năm 2005 tới 2010, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng thêm hơn 4 triệu mét vuông diện tích mặt đường (hơn 523km đường và 84 cây cầu). Mật độ đường giao thông/diện tích thành phố đã đạt 1,75km/km2, tăng trên 50% so với trước. Ông Trần Quang Phương, Giám đốc Sở GTVT nhìn nhận: Đó là sự nỗ lực của lãnh đạo, các cơ quan chức năng và một đối tượng không thể thiếu được, đó là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, xuất hiện từ sau khi có chủ trương xã hội hóa công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật của TP Hồ Chí Minh. Chỉ trong hai năm 2007-2009 nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách này đã lên tới 12.437 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần số tiền mà ngân sách thành phố có thể chi cho xây dựng hạ tầng. Hàng loạt công trình giao thông được xây dựng từ chủ trương này đã ra đời và phát huy hiệu quả trong thực tế như cầu Ông Lãnh, cầu Phú Mỹ… Năm 2010, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Còn Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, chuyên trách mảng đầu tư nhấn mạnh: Nếu những công trình đều trông chờ vào nguồn vốn ngân sách thì "thật sự không biết bao giờ mới xây dựng được" bởi trong năm 2010, dù đã hết sức nỗ lực nhưng ngân sách thành phố chỉ có thể chi cho ngành giao thông khoảng 2.000 tỷ đồng! Phải nói rằng, hầu hết các công trình giao thông trọng điểm của thành phố hiện nay đều được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa như: dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc khoảng 800 tỷ đồng...

Mở rộng thêm nhiều ngành

Cho đến thời điểm này trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 90% dân số được cung cấp nước sạch. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành cấp nước, nhưng không thể không kể đến sự đóng góp của các nhà đầu tư "ngoài quốc doanh". Khởi đầu là Nhà máy nước BOT Bình An và hiện nay có thêm các nhà máy nước được xây dựng từ những nguồn vốn ngoài ngân sách như Nhà máy nước BOO Thủ Đức, Nhà máy nước lợ Cần Giờ… Chủ trương xã hội hóa ngành cấp nước bắt đầu được triển khai mạnh mẽ từ những năm 2002-2003 và đến nay, lượng nước từ các nhà máy này đã chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nước sạch cung cấp cho người dân thành phố.

Việc xử lý rác sinh hoạt cũng đã đạt được kết quả rất khả quan nhờ có chủ trương xã hội hóa. Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT, từ nay đến năm 2020 lượng rác sinh hoạt dù có tăng khoảng 10%/năm thì thành phố vẫn bảo đảm xử lý an toàn. Hiện tại, trung bình mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thải ra hơn 6.000 tấn rác sinh hoạt. Một nửa trong đó được xử lý ở khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) của Công ty Môi trường Đô thị; khoảng một nửa còn lại được xử lý ở khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) do Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (DN 100% vốn nước ngoài) đảm nhận. Rác thải đang dần được tái chế để tái sử dụng và tiết kiệm đất chôn lấp rác. Ở khu xử lý Phước Hiệp, nhiều nhà máy xử lý rác thành phân compost đã và đang được xây dựng như: Nhà máy của doanh nghiệp Tâm Sinh Nghĩa, Viet Star… xử lý khoảng 2.000 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn lực mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.