Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nguồn lực cho nông thôn mới

Thúy Nga| 15/07/2011 07:08

(HNM) - Đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn là yếu tố hàng đầu bảo đảm an sinh xã hội và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.


Nghề cỏ tế, mây tre giang đan xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên đang phát huy thế mạnh xuất khẩu. Ảnh: Hữu Hoài


Bà Trịnh Thị Hoa, thôn Thượng Vực, xã Vân Từ cho hay, "chúng tôi mong mỏi đã lâu, nay việc học nghề mới thành hiện thực". Thực ra, nghề may quần áo com lê, vét tông xuất hiện ở xã Vân Từ từ bao giờ không ai nhớ rõ. Đến thời điểm này, xã Vân Từ có một DN, một HTX và 40 cơ sở chuyên may gia công quần áo, thu hút số lượng lớn lao động tham gia. Thế nhưng các DN, cơ sở sản xuất ở xã Vân Từ luôn trong tình trạng thiếu thợ có tay nghề và thiếu hiểu biết về quy trình sản xuất. Tương tự, nghề may màn tuyn xuất khẩu xã Phượng Dực và Đại Thắng. Người dân làng nghề hai xã này khá giả nhờ nghề may, nhưng lại khủng hoảng về lao động. Ông Lê Văn Ất, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dệt may Quang Hùng, trụ sở tại xã Phượng Dực phân trần: "Chúng tôi thường xuyên tuyển lao động, thế nhưng nguồn cung thiếu hụt do lao động chưa qua các lớp đào tạo nghề, phần lớn họ là nông dân chỉ quen việc đồng áng".

Xuôi về làng nghề cỏ tế, mây tre giang đan xã Phú Túc, tình trạng lao động thiếu kỹ năng hoàn thiện các sản phẩm tinh xảo rất phổ biến. Bà Trần Thị Chính, thôn Lưu Thượng là người "cõng" nghề về địa phương cũng cảm thấy khó khi làm một số mẫu mã mới. Bà Chính mong muốn các lớp dạy nghề ở xã Phú Túc mở nhiều hơn để truyền nghề cho thế hệ trẻ học nghề mới. Theo bà Chính, khi có việc làm, thu nhập ổn định, lao động nông thôn sẽ không sa đà vào rượu chè, tệ nạn xã hội. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vị (xã Phượng Dực), bà Nguyễn Thị Ánh (xã Đại Thắng) và nhiều người dân đều cho rằng, các lớp dạy nghề sẽ giúp người thợ nâng cao tay nghề, tạo ra sản phẩm tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập. Bà Nguyễn Thị Tập, thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc bày tỏ, được học các lớp dạy nghề, người lao động có thêm sự lựa chọn việc làm trong các DN làng nghề.

Ông Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn chuyên thu gom các sản phẩm cỏ tế, mây tre đan xuất khẩu tại xã Phú Túc cho rằng, khi người lao động vững vàng tay nghề sẽ là "thang thuốc" cứu tinh giúp các DN và khối kinh tế làng nghề nâng cao năng lực SXKD, cạnh tranh trên thương trường. Kết quả sau hai năm mở lớp học nghề cho người lao động địa phương, từ chỗ doanh thu năm 2009 đạt 5 tỷ đồng, sau một năm doanh thu nâng lên hơn 7 tỷ đồng, dự kiến năm 2011 là 11 tỷ đồng. Dưới góc độ nhà quản lý kinh tế, ông May nhìn nhận, cái hay của mô hình này là DN vừa tận dụng được mặt bằng sản xuất, vừa tạo được nguồn nhân lực, mặt khác người lao động sản xuất tại chỗ cũng tiêu thụ hết sản phẩm, do đó đã kích thích lòng ham mê học nghề. Chương trình này như "vết" dầu loang, nó khơi dậy cho các mô hình dạy và học nghề mới ở các địa phương, ngoài ra còn thu hút được các nghệ nhân, thợ giỏi truyền dạy cho người lao động. Mô hình chủ DN kết hợp với trung tâm mở lớp dạy nghề cho lao động rồi trực tiếp đứng ra thu gom sản phẩm đem lại hiệu quả thiết thực, giảm được áp lực thiếu việc làm ở nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn lực cho nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.