(HNM) - Nông nghiệp xanh, phát triển bền vững hiện đã trở thành mục tiêu mà nhiều quốc gia theo đuổi, trong đó có Việt Nam, bởi đây là đòi hỏi tất yếu của khách quan. Có thể thấy, những hệ lụy từ việc phát triển “nóng” nền nông nghiệp trong thời gian qua đã bộc lộ những tác hại khôn lường.
Đó là ô nhiễm nguồn nước, giảm đa dạng sinh học, suy thoái đất... Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, phát triển tự phát, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá trị không cao, thu nhập của người sản xuất bấp bênh.
Ý thức được nông nghiệp xanh không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, mà còn là hướng đi ưu việt để vừa bảo đảm an ninh lương thực, thân thiện môi trường, vừa tăng cường xuất khẩu nông sản ra thế giới, những năm qua, ngành Nông nghiệp nước ta đã có những thay đổi căn bản trong chiến lược phát triển. Các tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội) đều hướng nền sản xuất đạt các tiêu chuẩn ngày càng cao như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Từ đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao...
Những nỗ lực trên ngày càng khẳng định rõ sản xuất nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, nhưng 9 tháng năm 2021, ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 2,74%; xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, nhiều sản phẩm đã giành được thị phần ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, liên minh châu Âu...
Rõ ràng, nông nghiệp xanh đã mang lại không phải chỉ lợi ích vật chất trước mắt mà còn là sự bảo đảm cho phát triển bền vững của toàn xã hội. Với ý nghĩa đó, sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững vừa là nhiệm vụ cấp thiết, lại vừa mang tính định hướng lâu dài.
Để thực hiện hiệu quả, trước mắt, các tỉnh, thành phố phải xây dựng được quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp phù hợp với đặc thù và gắn kết với các mục tiêu phát triển của địa phương. Quy hoạch của mỗi địa phương phải rõ lộ trình, mục tiêu và hài hòa trong tổng thể phát triển với ngành Nông nghiệp cả nước, của vùng miền. Thực hiện tốt điều này sản xuất nông nghiệp sẽ đi đúng quỹ đạo, cân đối được cung cầu, giúp thị trường phát triển ổn định.
Ở tầm vĩ mô, ngành Nông nghiệp phải xây dựng được thể chế, chính sách về đất đai, tín dụng, cơ chế hỗ trợ về vốn, công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông sản nước ta vào được những thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Điều quan trọng lúc này là các cấp, các ngành thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, cùng bàn bạc, tìm biện pháp hóa giải những bất cập đang ngăn trở quá trình phát triển.
Dù có cơ chế, chính sách, công nghệ..., nhưng con người chưa thay đổi được tư duy thì mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững sẽ còn rất xa vời. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và mỗi người nông dân phải thay đổi cung cách làm ăn. Trong đó, sản xuất phải gắn với thị trường; thay vì làm theo kiểu đối phó, hãy tự giác thực hiện các yêu cầu, tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn. Bên cạnh đó, các chủ thể cần liên kết chặt chẽ để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi nhằm tiếp cận gần hơn với nền sản xuất văn minh, hiện đại.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, sản xuất nông nghiệp xanh là chiến lược quan trọng để nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi về chất, tạo nền tảng phát triển lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.