(HNM) - Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề cho hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất. Điều đó được "nói rõ" qua những con số: Cả nước có đến 18% số doanh nghiệp du lịch phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50-80% nhân viên nghỉ việc...
Với riêng Hà Nội, khoảng 20-30% tổng số nhân viên làm việc trong khách sạn cũng phải nghỉ việc, vì kinh doanh không hiệu quả.
Dù doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã cố gắng cầm cự, nhưng việc hao hụt nguồn nhân lực là điều khó tránh khỏi bởi lượng du khách sụt giảm, thiếu việc làm... Khó khăn này tuy là tạm thời song lại kéo theo những hệ quả lâu dài. Bởi thực tế cho thấy, nguồn nhân lực trong ngành du lịch nước ta chưa mạnh, chưa “tinh”..., nay cộng thêm việc hao hụt nguồn lao động thì rõ ràng là khó khăn “kép” cho ngành công nghiệp không khói.
Trước thách thức này, nhiều doanh nghiệp đã tính toán, tìm phương án để tồn tại. Ngoài việc thay đổi chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành..., thì hầu hết các doanh nghiệp cũng đã điều chuyển, sắp xếp để bộ máy hoạt động hợp lý và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, cũng đã hình thành những mối liên kết bền chặt hơn giữa doanh nghiệp du lịch với cơ sở đào tạo, chủ động tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xu hướng phát triển hiện nay... Những chuyển dịch này cho thấy, các doanh nghiệp du lịch đã nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi, phải nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực để kịp nắm bắt cơ hội phát triển mới.
Hiện nay, du lịch nội địa đã phần nào sôi động trở lại, song phân khúc khách quốc tế vẫn đang là khoảng lặng vì dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên coi "khoảng lặng" này là dịp để thanh lọc nguồn nhân sự, làm mới chính mình; đồng thời, nhìn nhận lại để thấy sự bất cập giữa đòi hỏi của thực tế với mặt bằng chung của chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, nhanh chóng có kế hoạch đào tạo lại hay đặt hàng những cơ sở đào tạo, dạy nghề để có nguồn nhân lực chất lượng, hoạt động hiệu quả.
Ở tầm vĩ mô, ngành Du lịch cùng những doanh nghiệp du lịch lớn cần rà soát, đánh giá lại quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Du lịch giai đoạn 2011-2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thấy những điểm mạnh cần phát huy cũng như bổ sung những điều còn thiếu hụt, tìm giải pháp hóa giải các bất cập... Đặc biệt, cần đặt nguồn nhân lực ngành Du lịch trong xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong định hướng đào tạo cũng như hoàn thiện hệ thống viện nghiên cứu, trường lớp, cơ sở đào tạo.
Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 cần được các cấp, ngành liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực cần có cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập...
Ngành Du lịch hiện đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 nên việc đầu tư cho nguồn nhân lực chắc chắn là lựa chọn đúng đắn không chỉ cho trước mắt mà còn cả lâu dài nhằm đón đầu những cơ hội mới. Muốn phát triển thì phải thay đổi, và đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực chính là tạo nền tảng giúp du lịch Việt Nam nâng tầm thương hiệu, phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.