(HNM) - Thực hiện yêu cầu của Thành ủy Hà Nội về việc theo dõi, giúp đỡ rèn luyện học viên lớp cán bộ nguồn, Quận ủy Tây Hồ và Thị ủy Sơn Tây đã có sáng kiến bố trí hai ngày trong tuần để học viên thực tập chuyên ngành tại cơ quan quận ủy, thị ủy.
Trong quá trình theo dõi các lớp cán bộ nguồn, một số giảng viên nhận thấy, các học viên đều hứng thú với phần thực hành kỹ năng, nhưng số buổi lại được bố trí ít. Nhiều lúc, do lớp đông, học ghép, một số học viên không có cơ hội thực hành các tình huống, trong khi đó, hầu hết trong số 200 học viên lớp cán bộ nguồn kiểm tra và tuyên giáo sau khi hoàn thành khóa học được phân công về công tác tại các xã, phường, thị trấn. Những ghi nhận ban đầu cho thấy, ở các xã, phường, thị trấn, các học viên được rèn luyện về cách bao quát một địa bàn, nhưng lại ít có cơ hội thực hành các tình huống đa dạng của các phường, xã khác, không được học tập kỹ năng xử lý tình huống của các cán bộ cấp quận, huyện.
Sáng kiến của Quận ủy Tây Hồ và Thị ủy Sơn Tây đã khắc phục được những vấn đề kể trên, góp phần để các cán bộ nguồn có được kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ toàn diện hơn. Đây là kinh nghiệm rất cần được nhân rộng, không chỉ là trong khuôn khổ của Đề án đào tạo 1.000 cán bộ nguồn của TP Hà Nội mà còn đối với công tác đào tạo cán bộ nguồn nói chung, nhất là vai trò chủ động của các cấp ủy địa phương, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy.
Hiện nay, các cấp ủy đảng đã hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới và đang bắt đầu quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ lớp kế cận. Nhưng tình trạng đào tạo cán bộ nặng về lý thuyết, thiếu thực hành vẫn là hạn chế lớn. Dường như càng xuống cấp dưới hạn chế này càng có những biểu hiện "nặng" hơn. Một số cấp ủy địa phương thậm chí còn ngại áp dụng các phương pháp giúp cán bộ tăng cường thực hành tình huống, rèn luyện thực tế như luân chuyển, phân công theo dõi cơ sở, giao việc khó... Nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ được các cấp ủy đảng tổ chức vẫn theo "mô típ" hình thức là "đọc, nghe, chép", ít có sự thảo luận, trao đổi, tranh luận. Một số ít địa phương có sáng kiến đưa cán bộ đi thực tế và chứng kiến cách xử lý tình huống của cán bộ. Ngay cả cấp ủy có những sáng kiến này, cũng mới chỉ làm được một, hai lần, chưa trở thành biện pháp thường xuyên.
Như một nguyên lý, để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, các cấp ủy đảng cần phải đầu tư, đổi mới hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ thực hành kỹ năng, bằng tình huống thực tế là cách đổi mới thiết thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.