Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo môi trường lành mạnh

Đăng Vũ| 17/10/2021 06:06

(HNM) - Lâu nay, vấn nạn tranh giả, tranh chép, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật luôn trong tình trạng đáng báo động. Không thể ngồi nhìn “đứa con tinh thần” của mình bị xâm phạm, thời gian qua, nhiều họa sĩ hoặc người thân của họa sĩ đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Sự phản đối của giới họa sĩ thông qua nhiều kênh khác nhau như qua tổ chức trung gian, mạng xã hội…, thì những vụ việc vi phạm bản quyền tác phẩm hội họa mới được giải quyết. Nhưng xét cho cùng, đây mới chỉ xử lý được “phần ngọn” của vấn nạn tranh giả, tranh chép. Bởi thực tế, hầu hết vụ vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật đều chưa được xử lý một cách thỏa đáng, mà chỉ xử phạt hành chính hoặc một lời xin lỗi, gỡ bỏ bức tranh là... xong.

Không chỉ người nghệ sĩ phải “ngậm đắng nuốt cay” vì sáng tạo của mình bị sử dụng một cách vô lối, ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài hơn của vấn nạn này là nền mỹ thuật nước nhà khó giữ được uy tín trên thị trường quốc tế. Sẽ là cái giá quá đắt nếu chúng ta tiếp tục thỏa hiệp và làm ngơ với tình trạng xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật.

Có thể thấy, thực trạng nêu trên đến từ nhiều nguyên nhân, từ tâm lý ngại theo đuổi thủ tục pháp lý mất nhiều thời gian của các họa sĩ hoặc người thân của họ, nhu cầu thưởng thức mỹ thuật ngày càng cao của công chúng, đến việc chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm. Có một thực tế hiện nay là các họa sĩ thường không đăng ký bản quyền cho sáng tác của mình nên rất khó khởi kiện bên vi phạm.

Do vậy, bên cạnh nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, các chủ sở hữu tác phẩm mỹ thuật hoặc bản thân họa sĩ cần quan tâm vấn đề đăng ký bản quyền tác phẩm. Cùng với đó, các họa sĩ phải đồng lòng và cương quyết, lên tiếng mạnh mẽ, hành động thực sự trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. Khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm phạm, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để quyết tâm đi đến cùng sự việc. 

Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra những tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt, cần hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực bản quyền tác phẩm mỹ thuật với chế tài nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe cả với đối tượng sao chép tranh ở trong nước và các trường hợp tiếp tay ở nước ngoài.

Bên cạnh các quy định pháp luật, vấn đề bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật thuộc phạm trù đạo đức nên các cơ quan chức năng cần kiên trì tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức, kiến thức cho công chúng về việc tôn trọng quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng bản quyền tác phẩm mỹ thuật. Qua đó giúp công chúng hiểu rõ việc sử dụng tác phẩm vi phạm bản quyền là tiếp tay cho hành vi vi phạm; muốn sử dụng tác phẩm mỹ thuật phải thực hiện theo đúng các quy định.

Một giải pháp khác là chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định thật - giả đối với các tác phẩm mỹ thuật. Để khắc phục “tính thủ công” lâu nay - thẩm định bằng kinh nghiệm, cảm quan, cần nâng cao chất lượng nhân lực, đầu tư trang thiết bị thẩm định hiện đại, chuyên nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin để hệ thống hóa hồ sơ, dữ liệu về tác giả, tác phẩm mỹ thuật, qua đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho việc thẩm định tác phẩm mỹ thuật.

Ngăn chặn hiệu quả vấn nạn xâm phạm bản quyền; nâng cao ý thức thực thi quyền tác giả, chất lượng thẩm định… là những giải pháp góp phần tạo môi trường lành mạnh cho mỹ thuật phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.