Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển

Hồng Sơn| 17/07/2012 07:29

(HNM) - Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn 2006-2010, Việt Nam đặt mục tiêu thành lập mới khoảng 320 nghìn DN, trên thực tế đã có thêm 370 nghìn DN đăng ký hoạt động, vượt chỉ tiêu đề ra.

Với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, được kỳ vọng sẽ đóng góp 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Ảnh: Chí Lâm


Trước yêu cầu tăng tốc phát triển, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, việc tăng số lượng DN đang và sẽ được đặt ra một cách cấp thiết với định hướng rõ ràng. Giai đoạn 2011-2015, dự kiến cả nước có thêm 350 nghìn DN để đến cuối năm 2015 sẽ có khoảng 600 nghìn DN hoạt động, đóng góp 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đội ngũ DN được kỳ vọng sẽ đóng góp 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo 3,5-4 triệu việc làm mới. Đây là số lượng DN hoạt động thực sự, tức là có doanh thu cũng như bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Theo VCCI, tiêu chí DN "đang hoạt động" rất quan trọng bởi nó cho thấy hiện thực bức tranh DN nói chung, nhất là phản ánh sức sống của DN nhỏ và vừa nói riêng.

Các chuyên gia nhấn mạnh, số lượng DN luôn được bổ sung, đồng thời thời gian sẽ sàng lọc, loại bỏ những đơn vị kém hiệu quả, thua lỗ. Tham gia hoặc rút khỏi thị trường là sự đương nhiên, song hành và liên tục - đúng quy luật trong cơ chế thị trường. Chính vì vậy, không nên đặt tâm lý nặng nề trước việc hằng năm có một lượng DN ngừng hoạt động hay giải thể.

Tổng Thư ký VCCI cho biết, việc phát triển DN cần được quan tâm, triển khai thông suốt từ TƯ đến các địa phương. Phát triển DN cần được thực hiện trên cơ sở phát huy nguồn lực, tiềm năng và hoàn cảnh xã hội trên từng địa bàn, địa phương. Đáng lưu ý là, một số tỉnh đã chủ động lập kế hoạch phát triển DN trên địa bàn, đồng thời tiếp tục đối chiếu, so sánh kế hoạch này với những sự thay đổi về điều kiện KT-XH, hoàn cảnh thực tại để điều chỉnh cho phù hợp với định hướng, đặt trọng tâm là hỗ trợ DN.

Cụ thể như, đại diện tỉnh Lạng Sơn cho biết, do đặc điểm địa hình nhỏ hẹp, không bằng phẳng lại bị chia cắt liên tục nên chính quyền chủ trương thu xếp mặt bằng sản xuất cho DN ở các khu liên kết hoặc cụm công nghiệp nhỏ. Từ đó, mỗi DN sẽ kết hợp sở trường, trình độ chuyên môn với nguồn nhân lực, khả năng tài chính, dung lượng thị trường để tăng trưởng ổn định và gia tăng liên kết giữa các đơn vị.

Chẳng hạn tại Quảng Ninh giới chuyên gia lại khuyến nghị tỉnh nên quan tâm thỏa đáng đến mục tiêu phát triển DN thuộc nhiều lĩnh vực, theo hướng đa dạng hóa trên một thị trường năng động do vị trí địa lý có biển, gắn với thắng cảnh Vịnh Hạ Long và tiếp giáp biên giới. Các chủ đầu tư được khuyến khích thành lập DN chuyên khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có gồm vận tải biển, dịch vụ du lịch, cung ứng hàng hóa và nhiên liệu, khai thác và chế biến hải sản, làm hàng thủ công mỹ nghệ - đồ lưu niệm… để tạo ra chuỗi giá trị kinh tế ổn định, giàu sức cạnh tranh.

Thời gian tới, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng sẽ quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết một số vướng mắc cho DN như mặt bằng sản xuất, vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Việc phát triển DN ở các địa phương cũng cần được lồng ghép, thống nhất với quy hoạch phát triển KT-XH tổng thể, nhất là có sự cân nhắc, phối hợp về lộ trình khai thác quỹ đất, tài nguyên, nguồn nhân lực và vốn trong dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.