(HNM) - Trao đổi với Hànộimới, GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp, Thường trực Ban biên tập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cho biết, mặc dù chủ trương cải cách tư pháp đã đề ra yêu cầu tăng tranh tụng tại phiên tòa nhưng đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể.
Để đáp ứng tinh thần, nội dung của Hiến pháp năm 2013 về tòa án nhân dân (TAND) và viện kiểm sát nhân dân (KSND), nên chuyển đổi từ mô hình tố tụng hỏi đáp trong xét xử hiện nay sang vừa xét hỏi vừa tranh tụng hoặc chỉ tranh tụng.
- Thưa ông, điểm mới của Hiến pháp năm 2013 là việc xác định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Phải chăng, tới đây, người dân sẽ có địa chỉ cụ thể để kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp mà nhân dân đã giao phó, ủy quyền cho tòa án?
- Đúng, quy định mới này thể hiện sự phân công quyền lực nhà nước một cách mạch lạc. Trước đây, Hiến pháp năm 1992 quy định quyền lực nhà nước thống nhất có sự phân công phối hợp trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng không biết cơ quan nào là tư pháp. Hiến pháp năm 2013 chỉ rõ, tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Tòa án có vai trò, nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân, sau đó là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Và khi đã phân định minh bạch như thế thì có điểm lợi là Nhà nước có cơ sở để kiểm soát quyền lực. Nhân dân cũng có điều kiện, địa chỉ cụ thể để đánh giá, kiểm soát quyền tư pháp tức là quyền thay mặt nhân dân tài phán những hành vi vi phạm pháp luật.
- Thế nhưng, hiện nay khâu xét xử của tòa án còn nhiều bất cập. Có những bản án tuyên không rõ ràng nên quá trình thi hành án kéo dài hàng chục năm, gây bức xúc, tốn kém, mất lòng tin của người dân, thưa ông?
- Đó là do tình trạng "án bỏ túi" vẫn còn; năng lực và trình độ của đội ngũ thẩm phán tham gia hội đồng xét xử yếu; hội thẩm nhân dân tham gia xét xử chưa thực chất… Hơn nữa, hiện nay, nguyên tắc tố tụng của Nhà nước ta chỉ là xét hỏi. Khi chủ tọa phiên tòa chủ động hỏi và bị cáo trả lời tạo ra một sự bất bình đẳng giữa một bên là Nhà nước, là tòa án và các cơ quan có thẩm quyền còn bên kia là bị cáo đương sự hoặc là những người có liên quan, không tạo ra được bầu không khí thật sự dân chủ. Những vụ án oan sai gần đây được đưa ra công luận cho thấy rằng, còn có tình trạng mớm cung, bức cung, không chú ý lắng nghe ý kiến của luật sư, tiếng kêu oan của người vô tội.
- Theo ông, giải pháp nào để hạn chế tình trạng oan sai trong xét xử?
- Để khắc phục tình trạng trên, Hiến pháp đã quy định "nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm". Việc xét xử sơ thẩm của TAND có hội thẩm nhân dân tham gia, trừ trường hợp theo thủ tục rút gọn. Đây là cơ sở phù hợp để tạo điều kiện cho cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, là cách thức để tìm ra chân lý, làm sáng tỏ sự thật khách quan. Đặc biệt, tranh tụng sẽ là cách nâng cao nhận thức, tạo ra môi trường dân chủ bình đẳng trong quan hệ tố tụng, buộc các chủ thể có thẩm quyền từ điều tra, truy tố, xét xử phải nâng cao năng lực trình độ, hạn chế được chủ quan, duy ý chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Nguyên tắc này góp phần rất quan trọng để tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng oan sai, bảo đảm cho nền tư pháp nước ta là một nền tư pháp dân chủ, công bằng và công lý.
- Vậy, để thể chế hóa Hiến pháp, cần đổi mới hướng tranh tụng như thế nào, thưa ông?
- Để tranh tụng hình thành, điều trước tiên phải thay đổi nhận thức của các chức danh tư pháp. Trong quá trình xét xử, viện kiểm sát là cơ quan buộc tội phải chủ động trình bày quan điểm, chứng cứ buộc tội của mình. Trên cơ sở đó, luật sư, hoặc người bào chữa là những người đại diện cho thân chủ của mình chứng minh quan điểm gỡ tội của mình. Thông qua tranh luận đó, chủ tọa xem xét bên nào đúng bên nào sai. Muốn nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm cần chuyển đổi mô hình xét hỏi hiện nay sang mô hình vừa xét hỏi vừa tranh tụng hoặc chuyển hẳn sang mô hình tranh tụng. Việc này sẽ phải quy định rõ trong Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức Viện KSND cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để thi hành Hiến pháp năm 2013 thì một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức Viện KSND sẽ phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp diễn ra vào tháng 10-2015.
- Xu hướng của nhiều nước trên thế giới hiện nay là áp dụng mô hình tranh tụng, quá trình tranh tụng không cần hồ sơ vụ việc. Theo ông, liệu Việt Nam có thể học tập mô hình này?
- Tôi cho rằng, với nước ta, nếu chuyển hẳn sang mô hình tranh tụng sẽ chưa thể thích nghi được ngay, cần làm từng bước một. Do đó, nên áp dụng mô hình vừa xét hỏi vừa tranh tụng.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.