Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em phát triển

Hà Hiền| 29/12/2019 07:46

(HNM) - Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội và cả nước lại xảy ra một số vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, gây bức xúc trong xã hội. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng, nhất là các bên liên quan nhằm góp phần tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em phát triển...

Vẫn xảy ra ở nhiều nơi

Những ngày đầu tháng 12-2019, dư luận “nổi sóng” trước vụ việc “cháu bé bị người đàn ông đánh, gây chấn thương tại Khu đô thị Ciputra” thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Sự việc này chưa lắng xuống, thì mạng xã hội tiếp tục lan truyền hình ảnh một phụ nữ bị một nam giới có hành động đánh đập, chửi bới trước tòa nhà Artemis, đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), được cho là xảy ra vào ngày 14-12. Anh Nguyễn Thành Nam, ngõ 192, đường Lê Trọng Tấn cho rằng: “Những vụ việc mới xảy ra tuy không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng phần nào cho thấy, một bộ phận nam giới vẫn quen giải quyết vấn đề bằng bạo lực”.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp trẻ em thông qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Không chỉ xảy ra ở những nơi công cộng, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em còn len lỏi vào các trường học. Mới đây nhất, vào những ngày cuối tháng 12-2019, nhiều phụ huynh của học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) gửi đơn phản ánh giáo viên chủ nhiệm lớp có hành vi bạo hành với học sinh. Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, bạo lực học đường diễn ra phức tạp, không dễ phát hiện. Nguyên nhân xuất phát từ suy nghĩ, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của những người trong cuộc và do tác động tiêu cực từ môi trường xã hội…

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Giai đoạn 2015-2019, các cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 8.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức; trong đó thành phố Hà Nội phát hiện gần 700 trường hợp. So với giai đoạn trước, số vụ việc xâm hại trẻ em tuy không tăng, nhưng tính chất cũng như diễn biến ngày càng phức tạp. Trong khi đó, khảo sát của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, trong những năm gần đây, 58% phụ nữ từng kết hôn phải trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình.

Đáng nói là theo Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, con số 68,4% trẻ em Việt Nam đang bị bạo lực bằng lời nói, hành động từ bố, mẹ, người chăm sóc. “Tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em được khắc phục càng sớm, sẽ càng giảm nhanh những hậu quả tiêu cực”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD khuyến nghị.

Hành động ngay, giải quyết triệt để

Nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách liên quan, thời gian gần đây, các cơ quan, đơn vị chức năng đã khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ từng vụ việc cụ thể. Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, năm 2019, đơn vị này tiếp nhận khoảng 30 thông tin liên quan đến việc vi phạm quyền trẻ em. 100% các vụ việc đều được quan tâm, xử lý triệt để, nhất là những vụ vừa xảy ra; 100% nạn nhân được tư vấn, hỗ trợ về nhiều mặt.

Tương tự, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội triển khai rộng rãi Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”. Việc triển khai Đề án 938 đã góp phần cung cấp kiến thức, thông tin về các vấn đề xã hội cho hơn 1,3 triệu lượt phụ huynh, học sinh dưới 16 tuổi; tuyên truyền kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình cho 70.000 lượt phụ nữ. Các địa phương đã hình thành 705 mô hình hỗ trợ phụ nữ tham gia giám sát, phản biện, đề xuất chính sách, giải quyết vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái.

Còn ngành Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2019” tại xã Phú Cường (huyện Ba Vì); thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng danh hiệu gia đình văn hóa. Ngành Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các nhà trường nhân rộng mô hình tư vấn, tham vấn học đường… Chị N.T.P - nạn nhân của vụ bạo lực trước tòa nhà Artemis, đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), chia sẻ: “Những ngày cuối năm 2019, tôi nhận được sự quan tâm về nhiều mặt, đến từ nhiều cơ quan chức năng của Trung ương và Hà Nội. Nhờ vậy, cuộc sống của tôi đã trở lại bình thường”.

Ở cấp vĩ mô, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chọn năm 2020 là “Năm vì trẻ em”, qua đó nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trước mắt, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các ngành, địa phương triển khai “Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1863/QĐ-TTg, ngày 23-12-2019. Theo đó, phấn đấu, 100% gia đình có trẻ em ở nước ta được cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục...

Đối với phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể kiên trì thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tất cả những nỗ lực ấy đều hướng đến tạo cho được môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.