(HNM) - Năm 2016, số lượng thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội tăng cao ngoài dự kiến của các nhà tổ chức. Điều này cho thấy sức hút rất lớn của phương thức tuyển sinh riêng của ĐHQG Hà Nội, đồng thời cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thí sinh làm bài thi tại Hội đồng thi Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015. Ảnh: Nhật Nam |
Không để thí sinh phải đi xa
Kết thúc đợt đăng ký dự thi đợt 1, ĐHQG Hà Nội cho biết đã có khoảng 70.000 lượt thí sinh đã đăng ký và nộp lệ phí tuyển sinh, cao gấp 1,5 lần so với đợt 1 năm 2015 (45.000 lượt). Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội cho biết, cả 7 cổng trực tuyến đăng ký dự thi đều đóng trước thời hạn dự kiến. Nhà trường đã bố trí 57.000 chỗ thi, gồm 40.000 chỗ cho bài thi đánh giá năng lực chung, 17.000 chỗ cho bài thi ngoại ngữ. Trung tâm Khảo thí cũng đã điều chỉnh số lượng máy tính để có thêm chỗ thi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thí sinh. Ngoài ra, có thêm 5% số máy tính được bố trí dự phòng để đề phòng những trường hợp phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình dự thi.
Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, năm nay nhà trường chỉ nhận lệ phí dự thi, lệ phí xét tuyển qua một ngân hàng duy nhất là BIDV để tập trung dữ liệu và kịp thời xử lý, tránh tình trạng chậm trễ, phức tạp do sử dụng nhiều ngân hàng như năm 2015.
Sau khi rà soát thông tin của thí sinh đã đăng ký dự thi, Trung tâm Khảo thí phát hiện có khoảng hơn 100 thí sinh tuy địa chỉ ở các tỉnh khu vực phía Bắc, nhưng lại đăng ký dự thi tại Nghệ An và Đà Nẵng. Theo ông Sái Công Hồng, nhà trường đã liên hệ với các thí sinh này để có thông tin cụ thể về nguyện vọng của các em. Với trường hợp các em buộc phải đăng ký thi ở xa vì ở Hà Nội hết chỗ, thì sẽ xem xét bố trí thêm chỗ để các em có thể đăng ký thi tại Hà Nội.
Năm 2016, có thêm 6 trường ngoài ĐHQG Hà Nội cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả xét tuyển gồm: Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Hòa Bình. |
Ngày 27-3, trao đổi với Báo Hànộimới, ông Sái Công Hồng cho biết tất cả các trường hợp ở trên, nếu có nguyện vọng, đều đã được nhà trường sắp xếp đăng ký thi tại Hà Nội. Ông Sái Công Hồng đề nghị: Nếu chúng tôi còn liên hệ sót trường hợp nào, các em hãy chủ động liên lạc để chúng tôi kịp thời cập nhập thông tin. Hiện vẫn có tình trạng đầy chỗ tạm thời do có hàng nghìn lượt thí sinh "ảo", đăng ký nhưng lại không thanh toán lệ phí dự thi. Những trường hợp này có thể chỉ là đăng ký thử chứ không có ý định dự thi thật sự. Trung tâm cho biết sẽ xem xét để sắp xếp lại, lấy chỗ cho những thí sinh thực sự có nhu cầu dự thi.
Mỗi thí sinh một đề
Với sự thay đổi về quy mô kỳ thi trong năm nay, bộ cơ sở dữ liệu đề thi của ĐHQG Hà Nội đã được tăng gấp đôi so với năm 2015. Có bao nhiêu thí sinh, máy tính sẽ tự động tổ hợp thành bấy nhiêu đề thi. Nguyên tắc là mỗi thí sinh có một đề thi riêng nhưng tất cả đề thi sẽ có cùng tổ hợp, cân bằng nhau về số câu hỏi khó, dễ cũng như mức độ yêu cầu của đề thi. Ngoài ra, năm 2016, bài thi các môn ngoại ngữ cũng sẽ được thực hiện hoàn toàn trên máy tính như bài thi đánh giá năng lực. Để tạo thuận lợi cho thí sinh, nhà trường đã tính toán để những thí sinh tham gia cả hai bài thi đánh giá năng lực và ngoại ngữ được thi những đợt thi gần nhau trong cùng một ngày.
Bài thi đánh giá năng lực bao gồm kiến thức cả lớp 10, 11 và 12, trong đó chủ yếu là lớp 12. Bên cạnh đó, với mục đích đánh giá năng lực một cách toàn diện, đề thi năm nay tiếp tục ra theo hướng mở với những câu hỏi gắn với thực tiễn. Số câu hỏi này được tăng dần qua các năm để thí sinh có thể thích ứng. Tuy nhiên, thí sinh không cần quá lo lắng, bởi theo ông Nguyễn Kim Sơn, thực tế kỳ thi năm ngoái cho thấy những học sinh khá, giỏi đều đạt kết quả tốt. Việc thi trên máy tính không gây khó khăn đáng kể dù là với học sinh thành phố hay nông thôn.
ĐHQG cũng cho biết, nhà trường đang cân nhắc việc có xét tuyển thêm từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia hay không trong bối cảnh thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực đông như năm nay. Việc này sẽ được quyết định sau khi xét tuyển đợt 1, dựa trên số chỉ tiêu còn lại và kết quả thi đánh giá năng lực của thí sinh. Tuy nhiên, khả năng này là khó xảy ra. Tháng 8-2016, nhà trường sẽ xét tuyển đợt 2 để bổ sung cho những ngành còn chỉ tiêu.
Theo như thông báo, ngưỡng điểm sàn của thí sinh vào ĐHQG Hà Nội qua kỳ thi đánh giá năng lực là 70/140 điểm, song năm 2015 tất cả các khoa, trường đều lấy điểm đầu vào tối thiểu là 80 điểm. ĐHQG Hà Nội cũng đang xem xét khả năng rút ngắn thời gian bảo lưu kết quả từ năm 2017. Hiện bài thi đánh giá năng lực được bảo lưu và có giá trị xét tuyển trong thời gian 24 tháng sau ngày thi, bài thi ngoại ngữ có giá trị xét tuyển ngay trong năm dự thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.