(HNM) - So với 3 đợt dịch trước, đợt dịch lần thứ tư này ở nước ta, số trẻ em nhập viện điều trị Covid-19 gia tăng nhanh. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều do lây nhiễm theo chùm ca bệnh trong gia đình. Do đó, các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng, chống để tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ trước đại dịch.
Gia tăng trẻ em nhập viện điều trị Covid-19
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ ngày 5-7 đến nay, có khoảng 5% tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố là trẻ em 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta.
Riêng trong những ngày gần đây, số trẻ mắc Covid-19 (3-15 tuổi) chiếm tỷ lệ 5-30% tổng số ca mắc ghi nhận trong ngày của Hà Nội. Đơn cử, trong tổng số 40 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được ghi nhận ngày 11-8, có 4 trẻ (10-14 tuổi); ngày 12-8, trong tổng số 70 ca bệnh có 20 trẻ (3-15 tuổi)…
Là một trong 7 bệnh viện được ngành Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố, tính đến sáng 14-8, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị cho 122 ca bệnh. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, trong tổng số các bệnh nhân cách ly, điều trị tại bệnh viện ở đợt dịch thứ tư này, tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi chiếm 15-17%. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều do lây nhiễm trong hộ gia đình. Tuy nhiên, đa phần trẻ em cách ly, điều trị tại bệnh viện đều ở thể nhẹ, ít biến chứng hơn so với người lớn.
Trở thành F1 sau khi một người thân trong gia đình mắc bệnh, cháu P.Q.A. (15 tuổi, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) được chuyển đi cách ly tập trung từ ngày 7-8, mẫu xét nghiệm lần 1 âm tính. Đến ngày 9-8, cháu A. ho, sốt và được chuyển đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, xét nghiệm lần 2 vẫn âm tính. Tuy nhiên, đến ngày 13-8, cháu A. được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 và có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Khoa Đơn nguyên Covid-19 nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) thông tin, ảnh hưởng của Covid-19 đối với trẻ em không nặng nề như người lớn. Tuy nhiên, với trẻ em khi nhiễm Covid-19, ngoài việc phải tuân thủ các hướng dẫn về cách ly, điều trị bệnh truyền nhiễm như giống với người lớn, còn phải bảo đảm một chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Cùng với đó, trong quá trình chăm sóc, nhân viên y tế phải bảo đảm vệ sinh cho trẻ, tránh bội nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút khác, khiến bệnh nặng hơn.
Còn theo bác sĩ Phan Hữu Phúc, Khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương), tuy hầu hết trẻ em nhiễm Covid-19 chỉ ở thể nhẹ, nhưng một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, nhất là với những trẻ có các bệnh nền. Nguyên nhân là sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa phát triển đầy đủ.
Tăng cường phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), số ca tử vong do Covid-19 ở trẻ em trên toàn cầu (78 nước) là 8.700/2,7 triệu ca, chiếm khoảng 0,3% số ca tử vong. Trẻ em tử vong thường có các bệnh nền kèm theo, như: Suy dinh dưỡng, bệnh ác tính..., nhưng cũng có thể do hệ thống y tế quá tải nên không được chữa trị kịp thời hoặc do nhiễm biến chủng Delta.
Để phòng bệnh cho trẻ em, bác sĩ Phan Hữu Phúc, Khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, như: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ thông điệp “5K”, hạn chế tiếp xúc; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên...
Bác sĩ Phan Hữu Phúc cũng khuyến cáo, tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Hiện chưa có chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ, song khi người lớn tiêm vắc xin đầy đủ sẽ giúp hạn chế sự lây truyền cho trẻ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh khác theo đúng lịch, nhằm tăng cường hệ miễn dịch. Khi trẻ có các dấu hiệu: Ho, sốt, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn..., cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao sức đề kháng cho trẻ, theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, chế độ dinh dưỡng phải đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị hằng ngày về mặt năng lượng, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Với trẻ nhỏ - đối tượng dễ bị tổn thương do dịch bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, chia nhỏ bữa trong ngày, chế biến sao cho mềm, dễ hấp thụ. Ngoài ra, trẻ em cần có một chế độ vận động, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước và đi ngủ sớm.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.