(HNM) - Mặc dù là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất đất nước, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á nhưng du lịch Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một nguyên nhân dẫn đến thực tế này chính là hoạt động hợp tác, liên kết phát triển (du lịch) giữa Hà Nội với các địa phương trong nước, giữa Hà Nội với các điểm đến ngoài nước chưa được chú trọng.
Chưa chú trọng hợp tác, liên kết cũng là điểm yếu của Ngành Du lịch nước ta nói chung. Trong khi đó, đây chính là xu thế, là hướng đi tất yếu đối với "ngành công nghiệp không khói". Nghị quyết 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội (về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo) đã chỉ rõ: Phát triển du lịch phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; tăng cường liên kết vùng, kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong nước, với khu vực và quốc tế.
Đặt ra vấn đề hợp tác, liên kết trước hết cần bắt đầu từ du lịch Hà Nội với du lịch các địa phương trong Vùng Thủ đô. Bởi lẽ, dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh như hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú... du lịch Hà Nội còn thiếu những điểm vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ, đáp ứng nhu cầu đa dạng về "ăn, ở, giải trí" cũng như chưa có nhiều sản phẩm đặc thù, có sức hấp dẫn... Trong khi đó, du lịch các địa phương lại có những "lợi thế" riêng.
Việc hợp tác, liên kết hướng đến mục tiêu tạo dựng không gian phát triển chung cho du lịch vùng mà những cách làm cụ thể có thể là: Xây dựng các tuyến du lịch tâm linh, tín ngưỡng; phát triển các tour tham quan di tích lịch sử - văn hóa, thưởng thức nghệ thuật biểu diễn, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí... Với không gian phát triển chung, du lịch vùng tránh được tình cảnh sản phẩm vừa đơn điệu, thiếu chiều sâu vừa lãng phí vì nơi này giống nơi kia. Đồng thời, trong không gian phát triển chung, du lịch Hà Nội vẫn cần phát triển những sản phẩm mang tính đặc thù không nơi nào có được.
Hợp tác, liên kết phát triển du lịch không chỉ ở "khâu" khai thác mà cả ở hoạt động đầu tư. Với không gian phát triển chung, trước hết đối với du lịch vùng, việc kêu gọi vốn cần làm rõ danh mục cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch... muốn thu hút để tránh được cảnh chồng chéo, "giẫm chân" nhau giữa Ngành Du lịch các địa phương.
Hợp tác, liên kết, phát triển du lịch Thủ đô còn phải gắn liền với hoạt động du lịch cả nước và quốc tế mà xây dựng tuyến du lịch kết nối Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới là cách làm hiệu quả, cần được đẩy mạnh hơn nữa. Qua đó, Hà Nội không chỉ là một điểm đến của du khách trong và ngoài nước mà còn đóng vai trò "trung chuyển", "phân phối" du khách tới các địa phương khác nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của họ.
Nghị quyết 06-NQ/TU xác định rõ mục tiêu đến năm 2020, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Hợp tác, liên kết là một hướng phát triển quan trọng. Để hướng đi này đạt hiệu quả ở mức cao nhất, một điểm quan trọng chính là công tác quản lý (chung) mà cụ thể là cần có bộ phận đóng vai trò điều phối hoạt động hợp tác. Kinh nghiệm thành công trong phát triển du lịch cho thấy, chỉ trong một không gian phát triển chung, ngành "công nghiệp không khói" mới thực sự có khả năng cạnh tranh để vừa làm hài lòng du khách vừa thu về lợi nhuận ở mức cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.