Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo khan hiếm vé máy bay bằng chiêu thức “găm hàng”?

Minh Hường| 07/04/2011 14:49

Mỗi khi vào dịp lễ 30/4 - 1/5, vé máy bay từ Hà Nội đến những điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… lại trở nên khan hiếm do nhu cầu tăng đột biến.


Đại lý găm hàng chờ đầu cơ

Đóng vai trò là một khách hàng đi mua vé máy bay, chúng tôi dạo qua hàng loạt đại lý bán vé của các hãng hàng không nội địa để hỏi mua vé Hà Nội - Phú Quốc và Hà Nội - Đà Nẵng, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu “kín chỗ hết rồi”.


Theo anh Lâm, đại diện đại lý bán vé máy máy bay tại Gia Lâm, năm nào cũng vậy nhu cầu đi nghỉ ngơi trong những ngày lễ của các khách hàng khá là cao, ước tính tăng thêm khoảng 30 – 40% so với ngày bình thường, nên mặc dù các hãng đã tăng thêm tuyến nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Thông thường những khách hàng có ý định đi nghỉ vào dịp lễ 30/4 – 1/5, thường lên kế hoạch khá sớm và họ cũng quyết định mua vé máy bay cách đó vài tháng. Việc mua vé máy bay sớm không chỉ giúp khách hàng bị vỡ dự định, nó còn có thể làm giảm chi phí đáng kể cho gia đình vì đăng ký càng sớm, giá vé càng mềm. Chính vì vậy, mà giá vé máy bay của hãng cho những tuyến đi Nha Trang, Đà Nẵng… đã được bán hết ngay từ cuối tháng 3. Hiện tại, những địa điểm này đã được khoá sổ, còn những địa điểm khách như Sài Gòn vẫn còn nhưng rất ít, anh Lâm chia sẻ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì việc mua vé máy bay đi du lịch vào tại những tuyến mà hãng thông báo này vẫn có thể được, thậm chí là dễ dàng nếu biết những đầu mối của những “cò” chuyên găm giữ, cùng với đó là chấp nhận bỏ ra khoản tiến chênh lệch lớn , khoảng 500 nghìn – 1 triệu đồng so với giá hiện tại.

Theo chị Hải, địa chỉ tại Huỳnh Thúc Kháng, năm ngoái cũng vào dịp lễ 30/4 – 1/5 gia đình chị có đặt mua 3 chiếc vé máy bay khứ hồi cho cả gia đình đi Đắc Lắc (ngày đi là 29/4 và ngày về là 5/5). Khi vào đến nơi chưa được 3 ngày thì con chị bị ốm nặng, để đảm bảo an toàn gia đình chị đã gọi điện đến hãng để đổi vé về vào ngày 3/5 thay cho 5/5. Tuy nhiên, chị chỉ nhận được một câu “hết sạch vé rồi chị ạ” từ một nhân viên bán vé của hãng.

Sau một hồi trình bày hoàn cảnh, người nhân viên bán hàng đã đồng ý bán cho chị 3 chiếc vé, nhưng chị lại phải trả tiền chênh lệch đến 1,5 triệu đồng (tức 500 nghìn đồng/vé), chị Huyền kể.

Công nhận với chiêu thức này, một nhân viên bán vé máy bay tại đại lý Hà Nội cho biết, mỗi khi đến ngày lễ tết, nhu cầu mua vé máy bay lúc nào cũng có nên đây là cơ hội làm ăn của một vài kẻ trục lợi, lợi dụng những khách hàng có nhu cầu đột ngột hoặc bất ngờ, không thể mua được vé sớm.

Theo lời kể của nhân viên này, phương thức trục lợi của những người đầu cơ này là mỗi khi đến gần dịp lễ tết, họ sẽ tổ chức đăng ký mua vé bằng cách lấy tên của những người thân quen trong gia đình. Sau đó, sát đến ngày lễ những người mua vé này sẽ dần dần huỷ và chịu mức phí 10% song đăng ký bán lại cho khách hàng có nhu cầu với giá chênh lệch khoảng 400 - 500 nghìn đồng, thậm chí là bán từ vé hạng thường lên hạng sang và mức chênh lệnh này có thể lên đến hàng triệu đồng/vé.

Sẽ xử nghiêm nếu phát hiện đại lý găm vé

Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, việc cung cấp vé máy bay ra thị trường được hãng kiểm sát khá chặt chẽ, và hãng luôn duy trì chính sách mở của bán dần dần, chưa mở hết các chỗ, tránh tình trạng đại lý găm vé đầu cơ để đảm bảo không chỉ những người có kế hoạch sớm đi du lịch mà những người đi bất ngờ cũng vẫn có khả năng mua được vé. Chính vì vậy, việc găm vé máy bay tại các đại lý là rất ít.

Tuy nhiên, với một vài trường hợp khách hàng mắc phải, Vietnam Airlines sẽ tiến hành xác minh kỹ, nếu phát hiện ra trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Còn theo đại diện Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific, việc cung cấp vé máy bay ra thị trường của hãng được quản lý rất chặt chẽ, mọi thao tác trên hệ thống đều được giám sát và ghi lại (kể cả các thao tác đặt vé của đại lý) của hệ thống máy tính tự động. Khi số vé này được hoàn trả trở lại, chỗ trống đó sẽ lập tức được hiện thị trên hệ thống cho tất cả các kênh bán, và cơ hội bán vé của các đại lý là như nhau.

Theo các chuyên gia hàng không, trong khá nhiều trường hợp, mặc dù nhiều tuyến bay đã thông báo kín chỗ, người may mắn vẫn có cơ hội mua được vé đi nên việc vé máy bay bị găm giữ bằng hình thức mua và hủy rồi bán lại cho người khác với giá cao là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì, một khách hàng nào đấy vì lý do cá nhân nên phải đổi ngày đi/đến hoặc thậm chí là trả lại vé, hệ thống sẽ hiện thị ngay lập tức và khi đó hàng chục ngàn người từ khắp nơi sẽ truy cập, ai nhanh tay, may mắn thì sẽ được.

Theo thông lệ, vé máy bay khan hiếm khi sát những ngày lễ tết là điều thường gặp, nên để có thể không bị lỡ kế hoạch đi du lịch và có cơ hội mua với giá tốt nhất, khách hàng nên đăng ký sớm với các đại lý, vì mua càng xa ngày bay giá vé càng rẻ. Ngoài ra, đối với những khách hàng đăng ký mua vé qua mạng internet, để thuận lợi khách hàng cần thao tác nhanh, chính xác và thông tin phải đầy đủ đúng quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo khan hiếm vé máy bay bằng chiêu thức “găm hàng”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.