(HNM) - Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước có thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh. Đặc biệt, các hoạt động mua sắm trực tuyến trong những đợt giảm giá, khuyến mãi, nhất là vào cuối năm liên tục ghi nhận doanh thu tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, lượng truy cập mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2019.
Kết quả trên có được nhờ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp, chương trình nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt xu hướng tiêu dùng hiện đại, nhu cầu mua sắm của người dân với hàng hóa phong phú, đa dạng kèm theo nhiều dịch vụ giao - nhận hàng hóa ưu đãi, mức khuyến mãi lớn. Mặt khác, dịch Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn thương mại điện tử mở rộng thị phần…
Theo dự báo của Bộ Công Thương sẽ có khoảng 58,2 triệu lượt người Việt Nam mua sắm trực tuyến trong năm 2020, quy mô thương mại điện tử của nước ta sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Hiện, các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử đang đưa ra hàng loạt chương trình mua sắm trực tuyến giảm giá, khuyến mãi lớn từ nay đến cuối năm, với mức khuyến mãi 30-100% tùy từng khung giờ.
Các chương trình khuyến mãi dịp cuối năm được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho cả người tiêu dùng lẫn cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tăng doanh số bán lẻ và thị trường nội địa. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích hiện hữu, việc mua sắm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử thời gian qua, đặc biệt là các dịp khuyến mãi đã để xảy ra một số bất cập, như: Chất lượng hàng hóa mua về không giống như quảng cáo; khách hàng đã đặt hàng nhưng do lỗi hệ thống nên không nhận được hàng; khách hàng không thể mua hàng trong khung giờ khuyến mãi do bị nghẽn mạng... làm ảnh hưởng đến niềm tin của một bộ phận người tiêu dùng vào thương mại điện tử.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế là việc làm cần thiết hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn kéo dài. Do đó, các cơ quan quản lý lĩnh vực thương mại điện tử, các địa phương cần chú trọng xây dựng hạ tầng thương mại điện tử bảo đảm hệ thống hoạt động thông suốt, nhất là trong các dịp khuyến mãi lớn; đẩy mạnh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... trên các sàn thương mại điện tử. Song song đó, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp, cửa hàng làm ăn chộp giật, ảnh hưởng tới tâm lý mua sắm trực tuyến của người dân và uy tín của các doanh nghiệp chân chính.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử cần làm ăn bài bản, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giữ chân khách hàng; nâng cao uy tín, thương hiệu. Cùng với đó, thực hiện tốt các dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng như quảng bá qua các sự kiện khuyến mãi, trên mạng xã hội… nhằm tiếp cận với ngày càng nhiều khách hàng. Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức về quyền người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử; trước khi mua hàng cần tìm hiểu kỹ về nhà sản xuất, nhà phân phối, chỉ đặt niềm tin vào các đơn vị công bố rộng rãi, minh bạch các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Khi đó, các sàn thương mại điện tử với những chương trình khuyến mãi đang và sẽ triển khai từ nay đến cuối năm sẽ phát huy tối đa hiệu quả, có lợi cho tất cả các bên, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bán lẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.