Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo hành lang pháp lý

Thế Phương| 13/11/2014 05:56

(HNM) - Phản biện xã hội là nhu cầu, là đòi hỏi bắt buộc và ở nhiều góc nhìn có thể thấy giá trị của phản biện xã hội chính là phát huy dân chủ, để Nhà nước lắng nghe tiếng nói của nhân dân…

Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng ghi rõ: "Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ hoạt động tự nguyện, tích cực sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội".

Trước hết, cần khẳng định rõ: Phản biện bao hàm cả biện luận và phản biện luận. Trong phản biện, không chỉ là bác bỏ, phủ định, mà có thể có cả sự bổ sung, làm rõ hơn vấn đề ở nhiều góc độ, phương diện khác nhau. Có thể hiểu phản biện xã hội là sự thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án xã hội... liên quan đến quyền lợi và đời sống của thành viên trong xã hội; qua đó, chỉ ra những điều hợp lý, bất hợp lý; đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương chính sách, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân.

Nhân dân thực hiện quyền phản biện xã hội cũng có nghĩa là cùng tìm đến sự đồng thuận trong hoạch định và thực thi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Và như vậy, phản biện xã hội cùng với việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội không chỉ góp phần loại bỏ tình trạng quan liêu, mà còn có tác dụng hạn chế sự lạm dụng quyền lực… Việc nâng cao chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, các quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện là một vấn đề mới. Ở nhiều khía cạnh, có thể xem là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng; từng bước hoàn thiện nền dân chủ, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Từ đó nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc tham gia quản lý xã hội...

Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cần được hiến định và cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật. Đây chính là điều kiện pháp lý để Mặt trận Tổ quốc (nói chính xác hơn là các tầng lớp nhân dân) thể hiện vai trò, chức năng giám sát và phản biện xã hội của mình. Do vậy, những quy định của pháp luật liên quan hoạt động phản biện, giám sát phải hết sức cụ thể để tránh tình trạng người nói cứ nói, người nghe không nghe; phản biện nhưng không có đối thoại; giám sát, kiến nghị nhưng không được giải trình, tiếp thu; hay việc phản biện giám sát nhưng không đủ chứng cứ lập luận nên không đem lại hiệu quả hoặc phản biện, giám sát những không để làm gì…

Tóm lại hoạt động phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội, do vậy cần có những quy định cụ thể về hoạt động này trong văn bản pháp luật. Phải tạo hành lang pháp lý để Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân chủ động tham gia giám sát, phản biện và thực hiện có hiệu quả hoạt động này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo hành lang pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.