(HNMO) - Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Cùng với việc triển khai các giải pháp cấp bách chống dịch, thành phố Hà Nội đã quan tâm, có nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động bị mất việc làm, cơ sở sản xuất, kinh doanh… vượt qua giai đoạn khó khăn này. Điều này góp phần tạo giá đỡ an sinh xã hội để mọi người cùng vươn lên.
Việc làm thường xuyên, liên tục
Đã trở thành truyền thống tốt đẹp, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tinh thần nhân ái, sẻ chia, lối sống trách nhiệm, nghĩa tình luôn được chính quyền và nhân dân Thủ đô gìn giữ, phát huy. Từ đầu năm 2020 đến nay, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố vẫn dành sự quan tâm đầy đủ, kịp thời đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội...
Bà Phùng Thị Nguyệt, thôn Cộng Hòa, xã Thái Hòa (huyện Ba Vì), cho biết: “Do thiếu vốn đầu tư để phát triển sản xuất, nên kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Cơ hội đến, khi vào cuối tháng 3 vừa qua, gia đình tôi được các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi với số tiền 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì, để tạo việc làm. Tôi đã sử dụng số tiền này mua hai con bò sinh sản, nuôi 500 con gà để lấy trứng, tập trung phát triển chăn nuôi. Phấn đấu đến cuối năm 2020, gia đình tôi sẽ thoát khỏi diện hộ nghèo”.
Ngoài trường hợp nêu trên, theo Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 9-1-2020 về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020, thành phố bố trí 1.250 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách và ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo việc làm cho hơn 25.000 người, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo...
Cùng với giải pháp cho vay vốn để tạo việc làm, các tổ chức, cá nhân còn hỗ trợ trực tiếp cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Ngày 2-4, quận Hà Đông trích ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho 736 hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn trong thời điểm dịch Covid-19.
Đón nhận phần quà ý nghĩa, bà Nguyễn Thị Gái, tổ dân phố 3, phường Yết Kiêu bày tỏ: “Giữa thời điểm cả xã hội tập trung phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan chức năng vẫn dành sự quan tâm đến những hoàn cảnh khốn khó, khiến chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi sẽ cố gắng sống tích cực, nỗ lực làm việc để có cuộc sống tốt hơn”.
Không riêng quận Hà Đông, trong những ngày gần đây, các cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng đã chuyển nhiều phần quà đến những bệnh nhân nghèo ở “xóm chạy thận”, phía ngoài Bệnh viện Bạch Mai; cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí cho các gia đình trong thời gian cách ly; bố trí xe ô tô đưa, đón bệnh nhân đến bệnh viện điều trị. Các địa phương khác cũng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức.
Thông qua các phong trào “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận hàng tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Nguồn lực ủng hộ được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chuyển đến nhiều địa chỉ, trong đó có những địa chỉ trên tuyến đầu chống dịch, như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương… Hội Chữ thập đỏ thành phố đã cấp, phát miễn phí hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, xà phòng… để hỗ trợ người dân phòng, chống dịch.
Sẽ triển khai đúng người, đúng đối tượng gói hỗ trợ an sinh xã hội
Ngoài những chính sách, công việc đã, đang triển khai, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thì Hà Nội có hàng triệu người thuộc diện được hỗ trợ.
Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện có gần 89.000 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; hơn 192.000 người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; hơn 8.700 hộ nghèo, bằng 0,42% và gần 49.000 hộ cận nghèo, bằng 2,01% tổng số hộ dân trên địa bàn thành phố…
Theo thống kê sơ bộ, đến cuối tháng 3-2020, toàn thành phố có khoảng 40% doanh nghiệp, trong tổng số hơn 240.000 doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động. Số lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm ước tính khoảng hơn 1 triệu người… Như vậy, thành phố Hà Nội sẽ có khoảng 2-3 triệu người dự kiến nhận được sự hỗ trợ từ gói an sinh xã hội, chiếm khoảng 10% tổng số đối tượng dự kiến được hỗ trợ của cả nước.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Dân, theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thì Hà Nội là một trong những địa phương tự bố trí 100% ngân sách để thực hiện gói hỗ trợ này. Trước số lượng người dự kiến được hỗ trợ đông, số tiền dự kiến hỗ trợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng hướng dẫn cụ thể để các ngành, địa phương dễ dàng triển khai. Với trách nhiệm được giao, Sở sẽ tiến hành khảo sát, xác định đối tượng, triển khai hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông phân tích, việc xác định đối tượng người có công, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, lao động mất việc có ký kết hợp đồng lao động sẽ không khó để thực hiện. Riêng nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm hiện nay rất đông, nhưng lại khó khoanh vùng, xác định chính xác. Vì thế, nếu thiếu hướng dẫn, tiêu chí xác định cụ thể với nhóm đối tượng lao động tự do, thì nguồn lực trợ giúp dễ bị dàn trải, hiệu quả không cao.
Dưới góc nhìn của người lao động, ông Lê Hữu Tuấn, ngõ 40 đường Ngọc Trục, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) phấn khởi cho rằng, các chính sách trợ giúp sẽ là phao cứu sinh cho người lao động bị mất việc làm vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc xác định đối tượng lao động tự do cần hỗ trợ sẽ đúng và trúng nếu tất cả các bên liên quan liên kết, phối hợp để thực hiện; người lao động phát huy ý thức tự giác khi cung cấp thông tin.
Quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ nên chắc chắn cần những giải pháp chưa có tiền lệ. Vì mục tiêu “giúp nhau qua những ngày gian khó”, hy vọng, các bên sẽ nghiên cứu triển khai chính sách trợ giúp với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, công khai, minh bạch, đúng người, đối tượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.