Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo dựng niềm tin cho mùa mua sắm trực tuyến

Thanh Hiền| 27/11/2016 16:48

(HNMO) - Qua hai mùa mua sắm không thành công như mong đợi, Online Friday 2016 trở lại với những thay đổi đáng kể. Ban tổ chức chương trình cam kết sẽ mạnh tay xử lý những doanh nghiệp vi phạm, hạn chế tối đa tình trạng khuyến mãi ảo, bán hàng giả...hướng tới sản phẩm chất lượng cao.


Chưa đạt như kỳ vọng


Ngày mua sắm trực tuyến – Online Fridaay được Bộ Công Thương chủ trì, giao Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và các đơn vị liên quan tổ chức từ năm 2014 với mục đích góp phần nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hoạt động mua sắm của cộng đồng thông qua kênh bán hàng trực tuyến, đồng thời tạo cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban tổ chức, năm 2014-năm đầu tiên của ngày hội mua sắm trực tuyến được tổ chức tại Việt Nam chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp tham gia mang yếu tố trục lợi, giá khuyến mãi vẫn cao và chưa đúng với giá thị trường, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng chưa được hưởng những quyền lợi tối đa mà chương trình mong muốn mang lại.

Sang năm 2015, mặc dù đã khắc phục được một số nhược điểm của Online Friday 2014 nhưng sự kiện vẫn tồn tại những lỗ hổng, nhất là khuyến mãi ảo. Thống kê của VECOM cho thấy, Online Friday 2015 diễn ra vào ngày 4-12, có 392 phản ánh của người tiêu dùng với sản phẩm của 105 doanh nghiệp. Trong đó, tỷ lệ phản ánh sản phẩm có giá gốc không đúng với giá thị trường chiếm tới 48%. Hai nhóm phản ánh về liên kết sản phẩm không đúng và nhãn hiệu, nguồn gốc không rõ ràng có tỷ lệ 18%.

Online Friday 2016 hướng tới sản phẩm chất lượng


Bước sang năm thứ ba, chương trình Mua sắm trực tuyến được tổ chức với kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của chương trình trong hai năm trước, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Trưởng Ban tổ chức Online Friday 2016 cho biết, điểm khác biệt lớn của Online Friday 2016 so với các năm trước là quy trình đăng ký sản phẩm sẽ có sự cải tiến so với những năm trước. Để ngăn chặn tình trạng khuyến mại ảo, Ban tổ chức yêu cầu các đơn vị tham gia phải công bố mức giá gốc 1 ngày trước Online Friday. Mức giá này là mức giá niêm yết cố định và không được thay đổi trong toàn bộ quá trình diễn ra chương trình. Nếu doanh nghiệp đẩy giá niêm yết sản phẩm lên cao rồi giảm 50-70% sẽ bị xử lý triệt để. Bên cạnh đó, năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ Công Thương đưa ra cơ chế minh bạch về sản phẩm và chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp tham gia Online Friday nhằm kiểm soát chất lượng của toàn bộ giao dịch trong ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất năm, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã có cam kết với chương trình gồm Samsung, Asus, Acer, Dell, HP, Oppo, Microsoft… Các doanh nghiệp nhập khẩu thời trang uy tín như Maison, Hoàng Phúc International… Các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn như Lazada, Adayroi, Tiki, Sendo, Hotdeal, Zalora…

Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ nhóm Omni-Channel với các chuỗi cửa hàng kết hợp online và offline sẽ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn mua sắm trong ngày hội mua sắm của năm, các tên tuổi tiêu biểu sẽ tham gia đại diện cho nhóm này gồm Thế giới di động, Nguyễn Kim, Viễn Thông A, FPT Shop, Viettel Store, hệ thống các trung tâm thương mại Vincom của Tập đoàn VinGroup…

11/18 ngân hàng hàng đăng ký tham gia cash-back hoàn tiền trong chương trình Online Friday 2016 đã chốt các chương trình ưu đãi với tổng giá trị hàng tỷ đồng, với các chương trình cash-back từ 20-50% cho mỗi đơn hàng của người dùng khi sử dụng thẻ của ngân hàng tương ứng khi thanh toán trực tuyến. Ngoài các khuyến mãi từng áp dụng trong lần đầu diễn ra chương trình như giảm giá sốc, khuyến mãi giờ vàng, tặng quà, các doanh nghiệp tham gia còn có cơ hội giảm 50% phí vận chuyển đơn hàng từ các đơn vị chuyển phát như Vietel Post, Vietnam Post, Giaohangnhanh, Proship…

Năm nay, ngày mua sắm trực tuyến sẽ diễn ra trong 24h ngày thứ sáu, 2-12. Điểm nhấn trong các hoạt động hưởng ứng Online Friday của năm nay là sự kiện BigOFF lần đầu tiên được tổ chức tại không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, từ ngày 1 đến 4-12, với sự tham gia của 25 doanh nghiệp tiêu biểu mang đến nhiều chương trình khuyến mãi và trải nghiệm công nghệ độc đáo.

Hiện nay, Ban tổ chức đang khẩn trương triển khai các phương án để giải đáp thắc mắc, hỗ trợ doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhất cho chương trình như hỗ trợ tiếp thị và truyền thông, hướng dẫn kỹ thuật, kết nối giúp donh nghiệp hưởng ứng các chương trình như hỗ trợ tiếp thị và truyền thông, hướng dẫn kỹ thuật, kết nối giúp doanh nghiệp hưởng các chương trình ưu đãi từ các nhà mạng, nhà chuyển phát, các đơn vị hỗ trợ thanh toán...

Với mục tiêu doanh số 1.000 tỷ đồng, Online Friday 2016 hứa hẹn sẽ làm nên “cú nổ” ngoạn mục của hoạt động thương mại điện tử Việt Nam cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng niềm tin cho mùa mua sắm trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.