(HNM) - Các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ đang thổi làn gió mới vào đời sống âm nhạc nước nhà. Tài năng, sức sáng tạo, niềm đam mê đã giúp họ có lối đi riêng, xây dựng được bản sắc, thương hiệu âm nhạc.
Để khai thác tốt hơn những tiềm năng đó, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức những sân chơi cho các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ; trong đó phải kể đến các chương trình thu hút giới trẻ như Livespace Vietnam, Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” - Monsoon Music Festival, Ngày hội các ban nhạc - Bandland Fest 2020… Không ít nhà sản xuất âm nhạc đã mạnh dạn giới thiệu nghệ sĩ trẻ trong các buổi biểu diễn âm nhạc, nhất là trong các chương trình kinh doanh có bán vé…
Với cách thức tổ chức chuyên nghiệp, bài bản và hấp dẫn, các chương trình đã trở thành nơi cho những nghệ sĩ trẻ thỏa sức sáng tạo, hình thành những không gian âm nhạc nhiều màu sắc và cá tính. Ý nghĩa hơn, những sân chơi âm nhạc mới mẻ này đã “gieo mầm” nhiều tài năng âm nhạc; giúp họ được học hỏi và trưởng thành hơn, từ đó tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng thị hiếu khán giả đại chúng.
Song, xét trên bình diện chung, nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam còn rất non trẻ, mới nhen nhóm phát triển và chưa có sự giao thoa với thế giới. Nghệ sĩ trẻ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về quảng bá tên tuổi, phát triển và quản lý sự nghiệp, sản xuất bản thu chuyên nghiệp… trong lộ trình chuyên nghiệp hóa.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, giúp họ có không gian phát triển bản thân và tự tin bước ra với công chúng, rõ ràng việc tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện, chương trình âm nhạc là rất cần thiết. Ngoài các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp được các bộ, ngành chức năng, địa phương tổ chức định kỳ, cần đẩy mạnh xã hội hóa việc tổ chức các sân chơi âm nhạc trong nước, quốc tế cho giới trẻ. Cách thức này rất hữu ích, mở ra cánh cửa giao lưu quốc tế cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam, từ đó tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ âm nhạc toàn cầu.
Một điều rất quan trọng là, việc tổ chức các sự kiện này phải bảo đảm tính dài hơi để hướng đến chuyên nghiệp. Muốn vậy, những vấn đề liên quan đến chất lượng chuyên môn âm nhạc; kỹ thuật, công nghệ; nhân lực… cần được quan tâm đúng mức, cập nhật được những xu hướng phát triển của thị trường âm nhạc thế giới. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý đến những kiến thức chuyên sâu trong ngành công nghiệp âm nhạc mà các nghệ sĩ trẻ đang rất cần, như: Tư vấn về chuyên môn biểu diễn, sáng tác; những tiêu chuẩn kỹ thuật thu âm; kỹ năng biểu diễn trực tiếp trên sân khấu; thị hiếu của khán giả trên môi trường mạng…
Trong bối cảnh thị trường âm nhạc đang có sự cạnh tranh gay gắt, các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ muốn đi được đường dài phải theo đuổi con đường nghệ thuật một cách nghiêm túc. Nói cụ thể hơn, với một thị trường âm nhạc luôn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về chuyên môn, thì bản thân người nghệ sĩ trẻ khi dấn thân vào con đường hoạt động nghệ thuật phải luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp. Đó là phải có tính sáng tạo và cá tính riêng trong âm nhạc; không đạo nhạc, không vi phạm bản quyền. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm các cam kết khi tham gia các chương trình âm nhạc hoặc khi hợp tác với các đơn vị sản xuất âm nhạc.
Tạo dựng một môi trường tốt với những không gian âm nhạc nhiều màu sắc là cơ sở quan trọng cho các tài năng âm nhạc được học hỏi và cùng nhau phát triển, qua đó đóng góp vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.