(HNM) - Không chỉ cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN cũng như tiềm lực, thành tựu của ngành, sách
Khoa học và công nghệ là lĩnh vực luôn được quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua. Ảnh: Bá Hoạt |
- Xin ông cho biết vài nét về mục đích, ý nghĩa của việc biên soạn cuốn sách KH&CN Việt Nam 2014 cũng như mong muốn của nhóm tác giả?
- Việc đầu tư cho KH&CN là đầu tư phát triển. Các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khó có thể hiện hữu ngay lập tức trong các hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Do vậy, việc đo lường hiệu quả hoạt động KH&CN tương đối khó khăn. Mong muốn của Ban biên soạn là tạo dựng được một bức tranh toàn cảnh và rõ nét về KH&CN Việt Nam, cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhà quản lý, nhà nghiên cứu và xã hội nói chung về hoạt động KH&CN của nước nhà. Cuốn sách cũng cung cấp các số liệu chính thống, cập nhật các hoạt động KH&CN của Việt Nam. Đặc biệt, trong cuốn sách này có nội dung công bố số liệu điều tra chính thức và phân tích sâu về nhân lực và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây chính là cơ sở quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định dựa trên cứ liệu thực tế (evident base decision making).
Sách KH&CN Việt Nam cũng được Bộ KH&CN biên soạn với mục đích công khai và minh bạch hóa thông tin đối với xã hội, để công chúng thấy rõ hơn về các hoạt động KH&CN đang diễn ra trong nước, nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng vào các hoạt động KH&CN đúng theo tinh thần của ngày KH&CN Việt Nam 18-5.
- Với tư cách chủ biên, ông có thể cho biết những nội dung cơ bản và nổi bật của cuốn sách?
- Sách KH&CN Việt Nam 2014 chính là bức tranh toàn cảnh và số liệu cập nhật nhất về KH&CN Việt Nam. Cuốn sách bao quát những hoạt động và kết quả mới nhất trong lĩnh vực KH&CN năm 2014, trong đó nổi bật là việc thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI của Đảng "Về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và triển khai Luật KH&CN năm 2013.
Năm 2014 được coi là "năm hành động" của ngành KH&CN với 8 Nghị định và 52 Quyết định của Thủ tướng và Thông tư hướng dẫn được ban hành, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật KH&CN Hành lang pháp lý cho hoạt động KH&CN. Tiếp theo cuốn sách KH&CN Việt Nam 2013, hoạt động nghiên cứu và phát triển được quan tâm trong cuốn sách năm nay với các bộ số liệu từ 2 cuộc điều tra thống kê trên toàn quốc trong các năm 2012 và 2014, có so sánh quốc tế về nguồn nhân lực và mức chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, các kết quả và thành tựu mới nhất về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng được đề cập đầy đủ trong cuốn sách, giúp chứng minh sự hiệu quả của đầu tư xã hội cho KH&CN. Đồng thời, cuốn sách cũng nêu ra những khó khăn, tồn tại cần tập trung giải quyết để KH&CN có thể đạt được các mục tiêu chiến lược trong thời gian tới.
- Những nguồn thông tin mà nhóm tác giả thu thập để làm nên cuốn sách này là từ đâu, thưa ông?
- Thông tin được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu và quan trọng nhất là từ các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ KH&CN, thông tin từ các cuộc điều tra thống kê chính thức về nghiên cứu và phát triển, điều tra nhận thức công chúng về KH&CN, các tài liệu công bố của các cơ quan nhà nước như Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính… Các cuộc điều tra, thống kê này đều được thực hiện theo phương pháp luận và chuẩn mực của OECD. Các số liệu so sánh quốc tế được thu thập từ số liệu thống kê chính thức của các tổ chức OECD, UNESCO, Thomson Reuters…
- So với cuốn "Khoa học và công nghệ Việt Nam 2013", cuốn sách này có những điểm mới gì, thưa ông?
- Ngoài những nội dung ổn định qua các năm, như quản lý nhà nước, tiềm lực nghiên cứu và phát triển, kết quả hoạt động KH&CN, sách năm nay giới thiệu kết quả điều tra về nhận thức của công chúng đối với KH&CN (lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam) với những kết quả khá thú vị. Trên cơ sở đó, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đưa ra những chính sách phù hợp để nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng vào các hoạt động KH&CN.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.